CTCP Đầu tư Thương mại TNG vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2019 với doanh thu đạt 349,3 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 19,35 tỷ đồng, tăng 78,5% so với tháng 1/2018.
Tính đến 31/1/2019, tổng tài sản của Công ty tăng 264 tỷ đồng đạt hơn 2.845 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn của TNG tăng 260 tỷ đồng đạt hơn 1.631 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 195 tỷ đồng lên gần 684 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng hơn 48 tỷ đồng, lên hơn 862 tỷ đồng.
Chủ tịch TNG ông Nguyễn Văn Thời cho biết, năm 2019, chiến lược của công ty là sẽ giảm tỷ trọng đơn hàng gia công CMT, tăng mạnh sang sản xuất theo phương thức FOB (doanh nghiệp chủ động mua nguyên liệu, sản xuất và bán sản phẩm cho đối tác).
TNG cũng tập trung vào sản phẩm đặc thù, không làm hàng đại trà và có giá thấp. Đơn cử, Công ty đã triển khai làm một số mẫu sản phẩm mới như lều du lịch được khách hàng Decathlon đánh giá cao, dự kiến năm 2019, Công ty sẽ triển khai 1 chuyền sản xuất mặt hàng này.
Trong năm 2019, TNG tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác tên tuổi trên thế giới như Decathlon, Nike, Jordan, Adidas, Tom Tailor, C&A, TCP, Mango, Columbia, Carhatt, trong đó có tỷ trọng khá lớn đơn hàng chuyển sang sản xuất theo phương thức FOB nên ngoài khả năng doanh thu tăng mạnh, biên lợi nhuận gộp cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Trong tháng 1, biên lợi nhuận trên doanh thu của TNG đã tăng từ 5% lên xấp xỉ 5,54%.
Ngoài khách hàng hiện hữu và chọn lọc trong ký kết đơn hàng, TNG nhận được nhiều đề nghị hợp tác mới. Công ty đã mở rộng hợp tác với khách hàng mới là G-III (Mỹ), IMPERAL (Canada), CHOIS ( Hàn Quốc). Ông Thời cho biết, đơn hàng từ Mỹ và Canada rất nhiều, làm không xuể, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may như TNG chọn lọc khách hàng đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Hiện thị phần của TNG tập trung ở 3 thị trường lớn gồm Mỹ chiếm tỷ trọng trên 50%, Đức 5% và Pháp 40%.
Trong kế hoạch 5 năm đã đặt ra từ 2018-2022, TNG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 10%/năm. Song nếu duy trì được tốc độ như hiện nay, ông Thời cho rằng, năm 2019, Công ty có thể cán đích doanh thu 4.500 tỷ đồng, mục tiêu cho năm 2021. "Điều quan trọng là doanh nghiệp phải gia tăng quản trị tốt, siết chặt quản lý chi phí, khấu hao", vị Chủ tịch nêu những hạng mục phải tập trung xử lý.
Ngành dệt may Việt Nam được nhận định lạc quan trong năm 2019 dưới tác động của nhiều hiệp định thương mại như CTTPP, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt tới 40 tỷ USD,tăng trưởng 2 con số so với năm 2018. Những chuyển động tích cực của TNG trong tháng đầu năm cho thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp mới là điều quan trọng và lợi thế sẽ ngày càng tập trung vào các doanh nghiệp lớn, chú trọng quản trị và phát triển bền vững. Ông Thời cũng cho biết, so với các ông lớn cùng ngành khác như May Sông Hồng, TCM, TNG còn phải tiếp tục cải thiện để gia tăng biên lợi nhuận tốt hơn.
Báo cáo tài chính