Giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) có nguồn gốc từ giải vô địch Grand Prix châu Âu diễn ra vào những năm 1920 và 1930. Năm 1946, luật chơi được chuẩn hóa bởi Liên đoàn Đua xe Thế giới (FIA). Tên Công thức 1 đề cập đến bộ quy tắc mà tất cả đội tham gia phải tuân thủ, ban đầu được gọi là Công thức A. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1950 tại Silverstone, Anh.
Sau 10 năm chờ đợi, Pháp năm nay sẽ tổ chức Grand Prix vào tháng 6, động thái có thể dẫn đến sự quay trở lại các địa điểm khởi sinh giải đua xe này sau hai thập kỷ tập trung vào những thị trường châu Á đang phát triển mạnh.
Tuy nhiên, Liberty Media – công ty truyền thông Mỹ sở hữu F1 – dường như vẫn quyết định mở rộng giải đua ra các vùng lãnh thổ mới và tăng cường hơn nữa sự hiện diện tại những thị trường hiện nay như Mỹ và Trung Quốc. Sean Bratches, giám đốc quản lý hoạt động thương mại của F1, trong tháng 7 xác nhận kế hoạch mở rộng số chặng đua, tăng từ 21 trong năm nay lên tới 25. Trong những năm 1980 và 1990, số chặng đua là 16.
Để thực hiện, Liberty cần tái bố trí lịch đấu – đang khiến các đội đua di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác chỉ cách nhau một tuần. Liberty muốn sắp xếp lại theo vùng địa lý, trong một giai đoạn nhất định.
Một trong những chặng đua mới có thể chính là các tuyến phố tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam, trong năm 2019, khi Miami, Mỹ, và Buenos Aires, Argentina, cũng tham gia. Tuy nhiên, quá trình tái tổ chức cần phải chờ đến khi các hợp đồng hiện tại với các quốc gia liên quan kết thúc.
Liberty Media đã công bố tổng doanh thu thường niên là 1,8 tỷ USD, chủ yếu từ thu phí bên tổ chức, các nhà tài trợ, bản quyền phát sóng và quảng cáo. Chi phí quảng cáo tại châu Á thường cao hơn cùng với lượng lớn người hâm mộ tiềm năng khiến khu vực này hấp dẫn hơn.
Một số thông tin cho rằng chi phí tổ chức F1 tại Việt Nam là khoảng 50 – 60 triệu USD/năm, và sẽ do chính phủ thanh toán.
19 trong tổng số 21 chặng đua F1 được hỗ trợ bởi các khoản chi của chính phủ, Bratches nói. “Đây là mô hình đã thực hiện trong quá khứ”.
Trả lời câu hỏi về việc Hà Nội muốn tổ chức F1 tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết nếu đưa giải đua này về Việt Nam thì phải trên tinh thần sẽ xã hội hoá toàn bộ.
"Không dùng ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp bỏ tiền và thu phí hoàn trả lại", ông nói.
Đại diện Chính phủ cho hay việc tổ chức F1 được pháp luật cho phép. Sau khi có ý kiến của Hà Nội, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đánh giá tác động về dân cư tại nơi đua xe.
Theo phương án của Hà Nội, khu vực tổ chức giải là xung quanh tuyến đường đi bộ Hồ Gươm nhưng sau đánh giá, địa điểm này không hợp lý. Vì vậy, Hà Nội đã điều chỉnh, đề xuất phương án đường đua tại khu thể thao Mỹ Đình bởi đã có sẵn hạ tầng.
Trước Việt Nam, hai nước khác ở Đông Nam Á cũng đã tổ chức F1. Tuy nhiên, hai quốc gia này hiện lại có quyết định hoàn toàn trái ngược nhau.
Singapore
Singapore đăng cai tổ chức một chặng đua F1 từ năm 2008, đường đua là các tuyến phố tại Marina Bay, tổng chiều dài hơn 5 km. Đây cũng là năm đầu tiên cuộc đua diễn ra vào buổi tối để thời gian phát trực tiếp thuận lợi nhất cho khán giả ở châu Âu. Tổng lượng người xem dự kiến khi đó là 500 triệu.
Singapore ký hợp đồng tổ chức chặng đua F1 năm 2007, thời hạn 5 năm kèm lựa chọn có thể ký tiếp 5 năm nữa. Theo Channel News Asia, phí tổ chức ban đầu là 150 triệu SGD (khoảng 110 triệu USD) và Hội đồng Du lịch Singapore (STB) tài trợ 60%, số còn lại do các doanh nghiệp đảm nhận.
Tay đua F1 người Australia Daniel Ricciardo của đội Red Bull Racing Tag Heuer trong buổi đua thử thứ hai tại Singapore Airlines Singapore Grand Prix năm 2017. Ảnh: Strait Times
"Đăng cai F1 đã tạo cơ hội cho Singapore quảng bá hình ảnh ra toàn cầu vì đây là môn thể thao phổ biến trên toàn thế giới", phó giáo sư chuyên về tiếp thị Sharon Ng của Trường Kinh doanh Nanyang, Đại học Công nghệ Nanyang, nói với tờ Straits Times.
Theo thống kê từ STB, giai đoạn 2008-2015, cuộc đua thu hút 350.000 khách quốc tế, mang về 150 triệu USD mỗi năm.
James Walton, Deloitte Singapore, không nghi ngờ việc Singapore thu lợi nhiều từ tổ chức F1.
“Từ quan điểm thể thao, nó cho thấy Singapore là một thành phố mạnh về kinh tế, có thể tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa tốt. Các đội chơi và du khách tận hưởng chuyến đi suôn sẻ tới Singapore. Hóa đơn từ những du khách đó sẽ rơi vào ngành bán lẻ”, Walton lý giải.
"F1 là lực đẩy lớn cho người dân địa phương. Tiền chi tổ chức chặng đua lại quay trở lại nền kinh tế Singapore, không bị chảy ra ngoài”, Walton cho biết thêm. Tuy nhiên, Walton cho rằng chỉ nên kéo dài hợp đồng “nếu thỏa thuận phù hợp với cả hai phía”.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore S. Iswaran hồi tháng 9/2017 thông báo Singapore sẽ tiếp tục tổ chức F1 trong 4 năm nữa, tức là đến năm 2021. Singapore trước đó đã thực hiện lựa chọn ký tiếp 5 năm vào năm 2012.
“F1 và Singapore đều mang lại lợi ích cho nhau”, theo ông Iswaran. Chi phí hàng năm cũng đã giảm từ 150 triệu SGD xuống còn 135 triệu SGD. Tuy nhiên, số lượng vé bán ra cũng giảm dần, từ mức kỷ lục trung bình 100.000/ngày năm 2008 xuống còn 86.800/ngày.
Malaysia
Malaysia cũng là quốc gia tổ chức chặng đua F1 tại Đông Nam Á, 19 lần, lần đầu tiên vào năm 1999. Đường đua dài 5,5 km, đặt tại Sepang, Selangor, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 45 km về phía nam.
Sau năm 2008, đơn vị quản lý đường đua cũng muốn tổ chức chặng tại Sepang vào buổi tối kể từ năm 2009. Tuy nhiên, bên tổ chức cuối cùng quyết định bắt đầu cuộc đua vào chiều muộn.
Trái với Singapore, Malaysia sẽ dừng tổ chức F1 khi chặng đua năm 2018 theo hợp đồng kết thúc. Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Malaysia Nazri Adbul Aziz công bố thông tin này từ tháng 6/2016. Lý do là chi phí quá cao, không đáng để tiếp tục.
“Lượng người tới xem ngày càng giảm, F1 không còn sức hấp dẫn”, ông Nazri nói, theo Express. “Chúng tôi tốn hơn 50 triệu GBP (gần 65 triệu USD) mỗi năm”.
Malaysia sẽ dừng tổ chức F1 kể từ năm 2019. Ảnh: Getty Images.
Trường đua Sepang 120.000 chỗ ngồi chỉ bán được 45.000 vé vào năm 2016, thấp hơn nhiều so với con số 80.000 người xem F1 năm 1999. Con số này năm 2017 tăng trở lại, lên hơn 110.000 người.
Một trong những lý do đó là F1 dường như chỉ là cuộc đua giành danh hiệu giữa Lewis Hamilton và Nico Rosberg, cùng thuộc đội Mercedes.
“Tôi nghĩ sản phẩm này không còn gì thú vị”, Ahmad Razlan Ahmad Razali, giám đốc điều hành chặng đua Sepang, nói. “Nó bị một đội thống trị”.
Một lý do khác là có nhiều nước châu Á cùng đăng cai nên Malaysia vất vả cạnh tranh thu hút khán giả. Không chỉ với khách, nhà tài trợ chính của F1 tại Malaysia là Tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas cũng quyết định rút lui vì giá dầu giảm. Tập đoàn này chỉ còn tài trợ cho đội Mercedes AMG Petronas để duy trì hiện diện ở F1.
Triển vọng của Hà Nội
Theo VnExpress, ông Lý Nguyên Khương - Giám đốc Marketing vùng Đông Nam Á của Redbull, đơn vị đang tham gia tài trợ cho các chặng ở châu Âu và một đội đua cho biết, chi phí hạ tầng cũng không nhỏ.
"Nếu xây một trường đua thì tốn 1 - 1,5 tỷ USD nhưng dùng được lâu dài. Sau F1 có thể dùng cho F2, F3 rồi thay đổi độ nghiêng để đua môtô phân khối lớn. Còn nếu tổ chức đua ngoài phố thì tiết kiệm ngắn hạn chứ thật ra là 'chơi sang'. Ví dụ, chi phí nâng cấp và dọn đường mỗi năm cho F1 tại Monte Carlo, Monaco, là 600 - 700 triệu USD, ở Singapore rơi vào khoảng 400 triệu USD. Mỗi năm mỗi tốn phí này vì sau khi đua, xe cộ qua lại thì đường lại xuống cấp, không còn đạt chuẩn", ông Khương nói.
Cũng theo ông Khương, F1 có 3 nguồn thu chính gồm: tiền phí các đội tham gia đóng, tiền vé và tiền tài trợ. Ông Khương cho rằng, khả năng về tiền bán vé và tiền tài trợ ở Việt Nam cần tính toán kỹ. Một chiếc vé trọn gói ở Hong Kong tầm 300 USD. Giá này nếu ở Việt Nam thì khó bán được đại chúng. Đơn vị tài trợ thì chưa nhiều tên tuổi lớn sẵn sàng và sẽ rất cân nhắc số tiền bỏ ra.
Chi phí xây một đường đua F1. Ảnh: Raconteur.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Tường - Phó giám đốc phụ trách thương mại và tài trợ của một kênh truyền hình, nhận xét lạc quan hơn về quảng cáo.
"Tôi cho rằng việc khai thác quảng cáo khá triển vọng. Ngoài ra, thị trường truyền hình đang thiếu những giải thể thao đủ hấp dẫn để thỏa mãn người hâm mộ. Trong khi đó, hàng loạt nhãn hàng về xe, phụ kiện, đồ thể thao, đồ xa xỉ, nước tăng lực... luôn tìm kiếm các sự kiện chất lượng để đổ tiền vào", ông Tường nhận định.
Vấn đề là Hà Nội cần tạo sức hút như Singapore chứ không phải rơi vào thế bị cạnh tranh bởi nước này như trường hợp của Malaysia.
Theo Strait Times, Express, Channel News Asia