CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc vừa thông báo đã hoàn tất bán ra toàn bộ 18,3 triệu cổ phiếu VPD của CTCP Phát triển điện lực Việt Nam (VNPD) theo phương thức thỏa thuận trong ngày 20/12. Như vậy, tổ chức này chính là một trong các bên đã “sang tay” cổ phiếu VPD cho khối ngoại trong ngày TEPCO Renewable Power Singapore Pte.Ltd trở thành cổ đông lớn.
Ước tính tại mức giá thỏa thuận bình quân 29.500 đồng/cổ phiếu, Tuấn Lộc có thể thu về gần 540 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn đúng đỉnh này. Trong khi đó, tổ chức nước ngoài lại không được “may mắn” như thế khi vừa trở thành cổ đông lớn, cổ phiếu VPD đã “quay xe” chóng vánh ngay đỉnh với 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trong đó có một phiên giảm kịch sàn.
Thị giá VPD hiện chỉ còn 26.250 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 11% so với giá TEPCO Renewable Power Singapore đã chi cho thương vụ gom 25% cổ phần của VNPD. Với giá gốc khoản đầu tư ở mức 785 tỷ đồng, tổ chức này ước tính đã tạm lỗ khoảng 86 tỷ chỉ sau 2 ngày trở thành cổ đông lớn.
TEPCO Renewable Power Singapore là pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Singapore của TEPCO Renewable Power – thành viên chuyên biệt về lĩnh vực phát điện từ năng lượng tái tạo thuộc Tokyo Electric Power Company Holdings, Incorporated (TEPCO Group). Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng.
Thành lập vào tháng 5/1951, sau hơn 71 năm hoạt động TEPCO Group đã phát triển đến một quy mô “khổng lồ” với 97 công ty liên kết (tính đến tháng 4/2021). Vốn điều lệ của tập đoàn này lên đến hơn 1.400 tỷ yen (~250.000 tỷ đồng). Tổng tài sản của “gã khổng lồ” ngành điện Nhật Bản vào cuối năm 2020 đạt 12.093 tỷ yen (~2,2 triệu tỷ đồng).
Trong khi đó, VNPD là một doanh nghiệp khá nhỏ ngành điện được thành lập năm 2022 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 13,7 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của doanh nghiệp này hiện ở mức 1.066 tỷ đồng. Ngoài TEPCO Renewable Power Singapore, VNPD còn có 2 cổ đông lớn khác là Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) với tỷ lệ sở hữu lần lượt 36,65% và 10,6% vốn.
VNPD hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, bán điện với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời và đủ sản lượng điện theo nhu cầu của Hệ thống điện quốc gia với chất lượng điện năng và độ ổn định cao. Doanh nghiệp chủ yếu đầu tư và vận hành một số thủy điện quy mô nhỏ như Bắc Bình, Nậm Má, Khe Bố.
Hoạt động trong lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài như thời tiết, khí tượng, thủy văn..., kết quả kinh doanh của VNPD cũng trồi sụt thất thường. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng thường xuyên duy trì dưới 200 tỷ mỗi năm. Năm 2022, VNPD cũng lên kế hoạch khá thận trọng với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm đáng kể so với năm ngoái.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh từ đầu năm của VNPD lại bất ngờ khởi sắc hơn dự kiến. Sau 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 218,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 61% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp ngành điện này đã hoàn thành vượt đến 88% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.
Nếu không có biến động nào quá lớn khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng trong quý 4, VNPD sẽ có năm lãi lớn nhất kể từ khi hoạt động. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cổ phiếu VPD duy trì đà tăng từ đầu năm 2022 bên cạnh hiệu ứng từ sự hiện diện của cổ đông lớn nước ngoài.
Mặc dù giảm mạnh trong 2 phiên vừa qua, thị giá VPD vẫn cao hơn 57% so với đầu năm 2022. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 2.800 tỷ đồng.