Ngày 1/4, tại buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện các Bộ, cơ quan và các hiệp hội doanh nghiệp đã đạt được sự nhất trí về hướng giải quyết nhiều vấn đề đang gây khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến về Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt…
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi giải thích rằng quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ.
Ông khẳng định quy định của Thông tư "hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt". Dù vậy, ông cũng cho biết sẽ sửa đổi Thông tư này theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn, theo cách hiểu như trên.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác không đồng tình nếu Bộ chỉ điều chỉnh như vậy. "Vấn đề ở đây là do cách tiếp cận, quy định "chọn cho" tức là người dân chỉ được làm những gì luật cho phép thì sẽ dẫn tới bỏ sót thôi. Cần quy định "chọn bỏ", tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm", Tổ trưởng Tổ công tác nêu quan điểm và đề nghị Bộ sửa Thông tư 02 theo hướng này.
Ông cũng cho rằng, việc Cục Thú y tiếp nhận hồ sơ trực tiếp để gặp doanh nghiệp là không phù hợp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm hồ sơ, thủ tục, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp thu ý kiến về nhiều vấn đề khác liên quan tới thủ tục, chi phí khảo nghiệm giống vật nuôi, đăng ký thuốc thú y, khảo nghiệm phân bón, kiểm dịch thực vật…
Cũng tại buổi làm việc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết hiện có khoảng 5.400 tấn nguyên liệu hải sản khai thác đang ứ đọng khi nhiều cảng cá không được Bộ NN&PTNT chỉ định là có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cả nước hiện có 83 cảng cá nhưng Bộ mới công bố 47 cảng đủ điều kiện, theo quy định tại Thông tư 21 năm 2018 của Bộ.
Một vướng mắc khác cũng liên quan tới thủy sản nằm tại Thông tư 36 năm 2018 của Bộ này. Theo đó, các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các cảng trung chuyển về Việt Nam phải nộp bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp. Quy định này được cho là không cần thiết, không khả thi nhưng đang gây ách tắc cho nhiều container hàng thủy sản.
Nhiều vướng mắc khác cũng được nêu ra tại buổi làm việc. "Cần rút ngắn thời gian xem xét đăng ký sản phẩm thuốc thú y, có những doanh nghiệp phải chờ từ 6 tháng đến 2 năm", đại diện doanh nghiệp nói và cho biết thêm hiện thủ tục này tại Cục Thú y vẫn thực hiện thủ công với hồ sơ giấy, chưa được điện tử hóa.
Lắng nghe ý kiến đại diện Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác nêu quan điểm: Nhiều thủ tục, quy định rất cần thiết về lý thuyết, nhưng cần xem xét trên thực tế có cần không.
"Cần xem xét năm vừa qua kiểm tra bao nhiêu lô hàng, phát hiện bao nhiêu vi phạm? Các nước đã có chứng nhận rồi thì mình có cần kiểm tra nữa không? Còn nếu cứ lý thuyết mà khẳng định là cần thì chúng ta đã không cần phải ngồi với nhau như thế này", ông nói.
Đại diện Bộ NN&PTNT sau đó đã nêu hướng giải quyết với từng vấn đề, như sẽ bỏ yêu cầu bản sao giấy xác nhận trong Thông tư 36, đồng thời ngay trong tháng 4 này sẽ công bố tiếp các cảng cá đủ điều kiện theo Thông tư 21… Khẳng định thời gian qua Bộ đã có nhiều nỗ lực trong lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện VASEP cho rằng hướng giải quyết như trên là hợp lý.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý Bộ cần hết sức lưu ý tới quy định chuyển tiếp trong các Thông tư 36 và 21.
"Thông tư 36 có hiệu lực ngày 10/2 nhưng tới 14/2 thì cơ quan công báo mới nhận được văn bản của Bộ, các doanh nghiệp không nắm được, có cá mà không xuất được. Đề nghị Bộ tiếp tục có văn bản tháo gỡ vấn đề này", Bộ trưởng đề nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận nội dung này và cho biết sẽ rút kinh nghiệm.