Thời gian gần đây, khách VIP gửi tiền tại các ngân hàng liên tục bị các nhân viên cấu kết với nhau làm giả mạo chứng từ, chiếm đoạt tiền tỷ của khách hàng. Tuy nhiên, khi vụ việc được phát hiện thì ngân hàng không chịu trả tiền cho khách mà yêu cầu người gửi tiền phải chờ phán quyết của tòa trong khi trách nhiệm của ngân hàng là phải bồi hoàn.
Mới đây nhất là vụ mất tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Bà Bình vẫn còn giữ các sổ tiết kiệm của Eximbank nhưng số tiền 245 tỷ đồng không cánh mà bay. Đại diện Eximbank cho rằng vụ mất tiền này có yếu tố lừa đảo nên phải chờ phán quyết của tòa án.
Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã truy nã Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM (đã bỏ trốn ra nước ngoài) và khởi tố 5 nhân viên (2 tạm gia và 3 được tại ngoại) của Eximbank chi nhánh TP.HCM do có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình.
Vụ mất tiền 245 tỷ đồng xảy ra tại Eximbank do nhiều người cùng thực hiện. Như vậy, có thể khẳng định đây là những cán bộ nhân viên Eximbank nhân danh ngân hàng này đã giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên, khi xảy ra thất thoát thì Eximbank thoái thác trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền mà phải chờ phán quyết của tòa án.
Theo quy chế của Eximbank phục vụ khách VIP: Được Eximbank xem xét cung cấp dịch vụ thu, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay, dịch vụ thẻ tận nơi theo yêu cầu của khách hàng. Như vậy, với vai trò là khách hàng VIP nên bà Chu Thị Bình thực hiện các giao dịch với Eximbank tại nhà. Theo luật do Ngân hàng Nhà nước quy định thì Quy chế khách hàng VIP không tuân thủ những quy định của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Vậy lãnh đạo Eximbank đã ban hành quy trình không chặt chẽ dẫn đến cán bộ, nhân viên lợi dụng những kẽ hở để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Như vậy, trong vụ mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình tại Eximbank thì ngân hàng cần phải trả tiền ngay nếu đó là lỗi của cán bộ nhân viên Eximbank hay chờ phán quyết của tòa như cách trả lời của lãnh đạo Eximbank sẽ được tranh luận tại buổi Tọa đàm Trách nhiệm ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi được tổ chức vào sáng 12/4/2018 tại Cơ quan Đại diện phía Nam Báo Người Tiêu Dùng (62-64 Nguyễn Biểu, P.1, Q.5, TP.HCM).
Tham dự hội thảo có chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - chứng khoán TS. Đinh Thế Hiển, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông Đoàn Tiến (đại diện Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam - Vinastas), luật sư Nguyễn Minh Hương (Phó Chủ tịch Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ Người tiêu dùng TP.HCM - AFCA).
Trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam, ông Nguyễn Văn Khuê, phát biểu tại Toạ đàm. |
Mở đầu buổi Toạ đàm, Trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam, ông Nguyễn Văn Khuê cho biết: Như quý vị đã biết trong thời gian qua, việc nhiều khách hàng bỗng dưng bị mất tiền trong tài khoản trong ngân hàng như: Oceanbank, BIDV, VIB hay đỉnh điểm là ở Eximbank đã gây không ít bức xúc cho người gửi tiền và trong xã hội. Bức xúc ở đây là vì luật pháp không được tôn trọng, thậm chí không được bảo vệ, lỗ hổng của ngân hàng quá lớn, tạo điều kiện cho chính những cán bộ trong ngân hàng đã ký không giấy tờ, lợi dụng chức vụ để rút tiền của khách hàng. Bức xúc đỉnh điểm có thể nói đến đó chính là thái độ thờ ở của những lãnh đạo ngân hàng với khách hàng của họ. Khi để mất tiền, ngân hàng đã không quyết liệt xử lý, thực tế, lấy lại tiền cho khách hàng, ngược lại họ cố tình tráo trở, câu giờ, vin vào việc “chờ phán quyết của tòa”, chờ kết quả điều tra của công an để mặc khách hàng từng coi là khách hàng VIP, từng được họ chăm sóc cẩn thận chu đáo hết mực.
Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại là hệ thống quan trọng nhất trong nền kinh tế trong việc vay tiền và gửi tiền. Hoạt động cuả ngân hàng thương mại chủ yếu là gửi tiền và cho vay, có đặc điểm chung là đòi hỏi tính an toàn. Hệ thống ngân hàng thương mại phải đảm bảo yếu tố an toàn lên cao nhất. Người dân đinh ninh rằng gửi tiền vào các ngân hàng là an toàn nhất, họ chấp nhận lãi suất thấp đề tin tưởng vào điều đó. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo yếu tố an toàn. Số người mất tiền khi gửi vào ngân hàng hiện nay có thể ít so với con số tiền gửi, tuy nhiên, điều nay cũng không thể chấp nhận, vì chúng ta cần phải biết rằng, các ngân hàng thương mại cần phải đảm bảo mức độ an toàn tuyệt đối.
Ông Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, phát biểu tại Toạ đàm. |
Xét riêng về vụ Eximbank tính pháp lý, ông Hiển cho rằng vẫn phải đặt dấu chấm hỏi. "Tôi cho rằng cách hành xử của EXimbank chưa đúng chuẩn của một ngân hàng đại chúng. Đối với khách hàng, thị trường thì Eximbank cũng đối xử chưa chuẩn, chưa tương xứng với thương hiệu của ngân hàng này", ông Hiển nhận định.
Xét về phía khách hàng, ông Hiển cũng muốn chia sẻ là nên trang bị kiến thức để bảo vệ lượng tiền gửi của mình khi gửi vào ngân hàng, không nên quá tin tưởng hay dựa hoàn toàn vào hệ thống của ngân hàng.
Chia sẻ về vụ việc mất tiền tại Eximbank, Luật sư Tiến sĩ Bùi Quang Tính, nhận xét hầu hết các ngân hàng nói chung tiếp nhận các sự việc liên quan đến việc mất tiền, các ngân hàng rất thụ động và đổ thừa. Người dân gửi tài khoản ngân hàng theo niềm tin, ví dụ như trường hợp chị Bình. Tuy nhiên, khi đi vay lại mang cả đống tài sản thế chấp, quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng bất cân xứng, trong khi đó chúng ta tin lại gửi tiền vào ngân hàng rất dễ dàng.
Theo ông Tính, HĐQT của các ngân hàng hiện nay thiếu khách quan và thụ động, khi ứng xử ban lãnh đạo các ngân hàng rất chậm. Vai trò của khách hàng và giao dịch viên rất mờ nhạt, cho thấy thiếu sự sòng phẳng, thiếu trách nhiệm của ngân hàng đối với số tiền của khách hàng khi gửi vào ngân hàng.
Luật sư Trần Hải Đức cũng cho rằng: "Hiện nay tôi đang là luật sư bảo vệ 4 vụ việc của khách hàng liên quan đến 4 ngân hàng thương mại cỡ lớn. Trong vụ Eximbank tôi cho rằng họ xử lý không khéo dẫn tới mất mát lớn cho họ.Tôi cho rằng vụ việc vừa rồi nếu Eximbank trả tiền ngay cho bà Chu Thị Bình thì có lẽ chứng khoán của ngân hàng này sẽ không mất hàng tỷ đồng, ngân hàng này sẽ không bị mất đi uy tín của mình".
Luật sư Trần Hải Đức và Luật sư Hà Hải |
Luật sư Đức cho rằng vụ việc Eximbank có thể nói thật sự làm mất đi hình ảnh của ngân hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh tiền tệ. Ông đưa ra lời khuyến cáo, đối với khách hàng hãy tỉnh táo trước cám dỗ về lãi suất, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi gửi tiền vào ngân hàng hãy một tổ chức tín dụng nào đó. Bởi lỗ hổng là luôn luôn có.
Nguyên Vũ - Cao Tuấn - Nguyễn Như