Mục đích, ý nghĩa: -Truyền thông, phổ biến các chính sách, quy định về an toàn thực phẩm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT. -Tạo sự quan tâm của dư luận và người tiêu dùng về vấn đề ATTP. Nội dung: -Giải đáp các câu hỏi liên quan đến vấn đề ATTP của đông đảo bạn đọc, người tiêu dùng. -Báo cáo về kết quả thực hiện về thực hiện “Năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”. -Kết quả xử lý những hành vi, vi phạm trong lĩnh vực ATTP. -Giới thiệu, nhận diện chuỗi nông sản- thực phẩm an toàn -Nhận diện những sản phẩm thực phẩm không an toàn -Chủ trương của Bộ NNPTNT trong đợt cao điểm đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Khách mời tham dự buổi tọa đàm, gồm có: - Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) - Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT - Ông Bùi Hải Nguyên - Đại diện Cục Chăn nuôi - Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Ba Huân miền Bắc - Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp * Cùng các chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí. |
Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp:
Có 2 vấn đề tồn tại khiến cho công tác thanh tra, kiểm kiểm tra đột xuất phát hiện các vụ vi phạm về ATTP gặp nhiều khó khăn đó là thứ nhất, sản xuất manh mún nên đầu vào và đầu ra chưa thể kiểm soát được.
Thứ 2 là vai trò cộng hưởng của người sản xuất và tiêu dùng trong giám sát lẫn nhau còn kém. Người sản xuất, người tiêu dùng chưa bảo vệ được quyền lợi của mình, tiếng nói của mình. Vẫn trong tâm thế hòa cả làng, hữu khuynh cả tổng. Ngoài ra việc lưu thông từ bán lẻ, đến cả trong siêu thị vẫn có những khoảng cách.
Để đưa ra các giải pháp, trước hết là các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các quy chuẩn, quy trình với những nông sản chủ lực. Thông qua hệ thống khuyến nông, chuyển từ hộ sản xuất đơn lẻ sang nhóm hộ, từ sản xuất đơn lẻ sang chuỗi giá trị.
Không chỉ đi theo một khâu mà phải là một chuỗi kĩ thuật từ chăn nuôi, sản xuất tới chế biến tiêu thụ.
Phải đào tạo tập huấn cho những người sản xuất, bao gồm tận tổ nhóm HTX, đặc biệt là những đơn vị có nông sản lớn đã tung ra thị trường, các các đơn vị gần các khu đô thị lớn, khu công nghiệp. Họ sẽ là chủ lực của vùng miền, tạo ra các vệ tinh đảm bảo về mặt vệ sinh ATTP.
Bạn đọc có hỏi: Vậy khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm kiểm tra đột xuất phát hiện các vụ vi phạm về ATTP là gì?
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT:
Công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện các vụ vi phạm về ATTP có một số khó khăn đó là sự đối phó, che giấu các hành vi vi phạm rất tinh vi. Ví dụ như các vụ bơm tạp chất, thường bố trí bơm ở phía trong sâu, ngõ xóm, hẻo lánh, các ngôi nhà, các khu bơm tạp chất thường đóng kín của, điều này đã gây ra không ít khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra.
Chính vì vậy, đoàn cần có thời gian theo dõi, xem xét và quyết định nhanh. Ngoài ra, còn có những khó khăn như lực lượng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện các vụ vi phạm về ATTP còn mỏng, năng lực của anh em còn hạn chế. Thời gian tới, cần tăng cường lực lượng cũng như năng lực thanh tra, kiểm tra của cán bộ.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad):
Vừa qua, bộ NNPTNT đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP cho Tết dương lịch và Tết nguyên đán. Như đã nói ở trên, năm 2018,Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm, tuy nhiên trong dịp Tết với việc nhiều chủng loại thực phẩm sẽ tăng mạnh, bao gồm cả sản phẩm nội địa và xuất khẩu.
Bộ NNPTNT sẽ tăng cường 2 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và tăng cường thông tin truyền thông.
Với việc thông tin truyền thông, sẽ chỉ đạo ngành dọc, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP, không vì nhu cầu gia tăng ngày Tết mà sử dụng nguyên liệu không đảm bảo. Đẩy mạnh thông tin truyền thông để giới thiệu quảng bá sản phẩm, cơ sở sản xuất an toàn. Tăng cường thông tin hướng dẫn sử dụng sản phẩm an toàn.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra với những cơ sở sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhiều trong ngày tết như giò, chả, nem, thủy sản chế biến.
Một số khách mời tại buổi Tọa đàm trực tuyến: "Cùng hành động vì mâm cỗ Tết an toàn"
Bạn đọc có tên Hoàng Ngọc Hà (Quận 2, TP.HCM) có hỏi: Có một tình trạng phổ biến là càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ nông sản- thực phẩm của người dân càng tăng cao, đi kèm với đó là tình trạng vi phạm về ATTP cũng gia tăng. Ông có thể cho biết, trong thời gian từ nay đến Tết, hai cơ quan đã có kế hoạch như thế nào để đảm bảo cho mỗi mâm cơm, mỗi bữa ăn của người dân thật sự an toàn?
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT:
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã trình Bộ NNPTNT ban hành Chỉ thị về Tăng cường đảm bảo ATTP trước và sau Tết Nguyên đán. Để đảm bảo ATTP cho nhân dân trước và sau Tết chúng tôi đã tập trung vào 2 nhiệm vụ chính. Một là tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức về đảm bảo ATTP. Thứ hai là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tập trung thanh, kiểm tra vào việc sử dụng các chất cấm và các chất ngoài danh mục và đặc biệt là hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng tôi rất mong có được thông tin phản hồi của người dân và các cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý và răn đe nghiêm các vụ việc vi phạm về ATTP.
Bạn đọc có hỏi: Hiện nay người tiêu dùng vẫn có thói quen tiêu dùng thịt nóng. Làm thế nào để chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng chuyển từ thịt nóng sang thịt mát?
Ông Bùi Hải Nguyên - Đại diện Cục Chăn nuôi trả lời câu hỏi:
Hiện nay, thói quen tiêu dùng thịt tươi (thịt nóng) khi vừa được giết mổ ra vẫn còn rất phổ biến. Thịt tươi có mùi vị và chất lượng tốt nhưng không được bảo quản đúng. Giải pháp mà chúng tôi đưa ra trong công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất các địa phương và công tác phối hợp với cơ quan liên quan, Cục Chăn nuôi có đưa ra một số đề xuất là cần thu hút đầu từ khối doanh nghiệp, tư nhân, để ứng dụng vào những lĩnh vực như giết mổ, chế biến, bảo quản.
Đây vẫn là những khâu vẫn còn yếu. Hỗ trợ để huy động nguồn lực xã hội, xây dựng điểm phân phối thịt cấp đông ở cả thành phố và nông thôn. Tăng cường thông tin thay đổi thói quen tiêu dùng thịt tươi của người tiêu dùng. Tự bảo vệ sức khỏe của mình thông qua tiêu dùng sản phẩm an toàn và chất lượng.
Ông Nguyễn Như Tiệp cũng nhấn mạnh thêm: Xin nói rõ, người tiêu dùng vẫn cho rằng sử dụng thịt tươi, thịt nóng là thơm, ngon hơn. Nhưng qua thực tế nghiên cứu, quan niệm đó là sai lầm. Thịt mát được cấp đông trong thời gian nhất định sẽ xảy ra những phản ứng sinh hóa làm thịt có chất lượng tốt hơn. Nếu thay đổi được thói quen tiêu dùng thịt nóng, sẽ đạt được hai mục tiêu là về chất lượng dinh dưỡng và giảm thiểu khả năng ô nhiễm vi sinh.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm trực tuyến: "Cùng hành động vì mâm cỗ Tết an toàn"
Bạn đọc có email kimkimhoa***@yahoo.com có hỏi: Ba Huân là một trong những đơn vị đã xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Vậy tổ chức chuỗi được công ty xây dựng như thế nào? Và các sản phẩm an toàn được tổ chức đưa tới tay người tiêu dùng ra sao?
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Ba Huân miền Bắc trả lời:
Công ty Ba Huân đã xây dựng chuỗi từ sản xuất cho tới tiêu thụ. Đầu tiên chúng tôi có trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao từ giống, tới quy trình chăn nuôi khép kín... Vấn đề vệ sinh ATTP luôn được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, chúng tôi còn có nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An đảm bảo khâu giết mổ, lưu thông, phân phối. Tất cả các khâu từ liên kết với nông dân sản xuất đúng quy trình tới giết mổ chế biến đều được khép kín.
Ba Huân còn tham bình ổn giá trứng cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nên bắt buộc phải đảm bảo sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng là đạt chuẩn an toàn. Mảng lưu thông phân phối, ngoài siêu thị, chúng tôi còn mở các cửa hàng trong chuỗi để cung ứng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Thời gian tới, chúng tôi tiến tới đưa ra những mặt hàng phong phú hơn như xúc xích, lạp sườn, chân gà chua cay và đều trên nền tảng sản phẩm an toàn.
Bạn đọc có tên Nguyễn Quang Minh đến từ Hà Nội có hỏi: Được biết, sau nhiều năm kiên trì, Bộ NNPTNT đã xây dựng được tới gần 1.000 chuỗi sản xuất nông sản an toàn (Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch), ông có thể cho biết kết quả chi tiết về các chuỗi này và người dân muốn tìm mua các mặt hàng nông sản đó, có thể tìm hiểu hoặc tra cứu thông tin ở đâu, làm sao để biết được danh sách các cơ sở đó?
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thông tin: Hiện nay, tại 63 tỉnh, thành trên cả nước đều đã phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn. Các bạn có thể tìm thấy thông tin, địa chỉ các chuỗi này trên trang web của Sở NNPTNT, Sở Công thương các tỉnh thành. Ngoài ra tại trang web của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản , trên Báo điện tử Dân Việt chuyên mục Địa chỉ xanh và trên các kênh truyền hình phát chương trình nông nghiệp sạch….
Ông Phan Huy Hà - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt
Ông Phan Huy Hà - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt đặt câu hỏi cho khách mời: Đối với hầu hết người dân Việt Nam, mâm cỗ Tết có một ý nghĩa rất lớn, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn bình thường để có một mâm cỗ ngon và an toàn. Cũng vì thế, nhiều người thường hay mua hàng bằng niềm tin, đó là mua thực phẩm qua những cơ sở được giới thiệu là ở quê hay sạch. Theo ông, việc mua hàng bằng niềm tin đó có thực sự giúp cho người dân có một mâm cỗ thật ngon, an toàn. Và ông có lời khuyên gì với người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới khi lựa chọn cho mình những sản phẩm sạch và an toàn?
Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp
Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp trả lời câu hỏi: Trong dịp nghỉ lễ Tết, các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa, giá thực phẩm tăng cao, chính vì vậy hầu hết các gia đình đều có tâm lý chọn cách tích trữ các sản phẩm đông lạnh trước đó vài ngày. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ hạn sử dụng thực phẩm, chọn các thực phẩm có thời gian lưu giữ ngắn hạn, bởi thời gian đông lạnh càng kéo dài, càng đồng nghĩa với số lượng chất bảo quản thực phẩm được lưu giữ trong thực phẩm.
Đối với mâm cơm Tết cơ cấu 20% rau củ, quả, 30% là thịt còn lại là các thành phần khác. Ở khu vực nông thôn được ăn tươi nhiều hơn, ở khu vực thành phố dự trữ nhiều hơn. Với cơ cấu phức tạp như vậy có 2 hạn chế, đối với sản xuất và tiêu dùng chuẩn bị tốt các điều kiện tốt về đất, nước và đặc biệt là các quy chuẩn về sản xuất an toàn.
Thứ 2 là về quản lý của nhà nước, có thể thấy sản xuất chúng ta thực hiện tốt nhưng khâu trung gian chuyển từ người sản xuất tới tiêu dùng còn lỏng lẻo.
Trước đây ăn ngon, ăn theo vị thì giờ đây người ta không chỉ ăn ngon mà phải theo an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bạn đọc có email thuylinh2**@gmail.com có hỏi: Năm 2016 - 2017 được xác định là năm vệ sinh ATTP và đã thực hiện được rất nhiều chỉ tiêu. Năm 2018 có tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này hay không?
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad): Bộ NNPTNT xác định vấn đề vệ sinh ATTP là vấn đề trọng tâm và kết quả là đã đạt được nhiều tiến bộ. Mặc dù các mẫu tồn dư năm 2017 có giảm so với năm 2016 nhưng theo đánh giá vẫn ở mức cao so với khu vực và các nước tiên tiến. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vẫn cao.
Do vậy, năm 2018, Bộ NNPTNT vẫn tiếp tục xác định đây là năm hành động về vệ sinh ATTP, tiếp tục triển khai 4 nội dung trọng tâm chính như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện về mặt thể chế. Nội dung này đã tiến hành trong năm 2017 và có những thành tích đáng kể, đồng thời sẽ tiếp tục trong năm 2018, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở, cá nhân tổ chức sản xuất nông sản an toàn.
Thứ hai, tổ chức sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn. Năm 2018, Bộ NNPTN đang trình chính phủ ban hành 2 nghị định quan trọng. Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển HTX. Các nghị định này sẽ là cơ sở để hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp có hành lang pháp lý để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra để xử lý vi phạm.
Thứ 3, tăng cường thanh tra và kiểm tra.
Thứ 4, nhân rộng chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn trên phạm vi rộng.
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT tại buổi Tọa đàm.
Nhìn chung, lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP đã chuyển dần từ thanh tra chủ động, báo trước sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các lĩnh vực như kiểm tra nước mắm, tiêm vào heo thuốc an thần, tạp chất bơm vào tôm. Ngoài ra, chúng ta còn phát hiện ra hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao có trong các nông sản,... Nhờ triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, thanh tra kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP đã có hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, năm 2017, qua thanh tra kiểm tra, chất cấm stabumol đã không còn.
Nếu năm qua, các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, và sức răn đe chưa cao thì từ 1.1.2018 những hành vi liên quan đến nông nghiệp sẽ bị xử lý hình sự và có sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan chức năng có liên quan.
MC hỏi: Năm 2017, được Bộ NNPTNT xác định là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”, trong đó trọng tâm là lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP để có biện pháp xử lý kịp thời. Ông có thể cho biết, khái quát về kết quả mà lực lượng Thanh tra chuyên ngành đã thực hiện được trong năm 2017?
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT trả lời câu hỏi: 2017 là năm thành công của ngành với sự vào cuộc 3.776 cuộc thanh kiểm tra 52.807 tổ chức cá nhân. Qua thanh tra kiểm tra đã xử lý 79,5 tỉ đồng xử lý. Riêng thanh tra Bộ đã triển khai 22 cuộc thanh tra đột xuất, ban hành 51 quyết định xử phạt và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ vi phạm, xử phạt 2,927 tỷ đồng. Đối với 61/63 với 51.800 tổ chức, số tiền xử phạt 74,5 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) và ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT chủ trì buổi Tọa đàm trực tuyến: "Cùng hành động vì mâm cỗ Tết an toàn".
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad)
Với giảm thiểu tồn dư trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, theo kết quả giám sát đã đạt được chỉ tiêu đề ra. Chỉ duy nhất chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh trong các loại thịt vẫn còn 30%.
Trong năm 2017, Bộ NNPT&NT đã tiếp tục vận động và hỗ trợ nhân rộng các liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn. Đã xây dựng 764 chuỗi cung ứng, trong đó có 382 chuỗi xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo sản xuất an toàn. Nhiều đơn vị liên kết theo chuỗi được hình thành như Vinmart, đã kết hợp với hơn 1000 HTX, hoặc như Ba Huân đã liên kết sơ chế các sản phẩm trứng. Hoặc Liên minh HTX liên kết với hàng trăm HTX sản xuất an toàn.
Về xuất khẩu cũng đã tháo gỡ được nhiều rào cản kĩ thuật của nhiều thị trường xuất khẩu. Kết quả cuối năm đạt được 36.3 tỷ USD. Đắc biệt là ngoài thị trường truyền thống, chúng ta cũng đã mở ra được nhiều thị trường mới như xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Hoa Kì với 63 doanh nghiệp, một số sản phẩm như vải, nhãn sang Úc, xoài sang Nhật. Sắp tới sẽ tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sang Trung Quốc.
MC hỏi Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad): Năm 2017, có thể coi là một năm “gặt hái” được nhiều thành công nhất của ngành nông nghiệp đối với lĩnh vực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên cả 2 mặt trận là: Thị trường nội địa (tình trạng vi phạm ATTP đã bị đẩy lùi, hình thành nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi xanh- sạch) và thị trường xuất khẩu. Qua đó, đã có nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất sang được những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản (thịt gà, nhiều loại rau củ), mới nhất là lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ. Ông có thể cho biết tóm tắt kết quả hành động về đảm bảo ATTP năm qua của ngành và những kế hoạch mà ngành đã triển khai?
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) trả lời câu hỏi: Đảm bảo vệ sinh ATTP là nhiệm vụ quan trọng của ngành NNPNT, đảm bảo 2 mục tiêu kép là sản xuất nông sản an toàn trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong 2 năm liền, 2016 -2017, Bộ NNPTNT đã thực hiện cao điểm về vệ sinh ATTP, mục tiêu là giảm thiểu tồn dư vi sinh, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi nông sản an toàn và tăng xuất khẩu.
Ông Phan Huy Hà - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tặng hoa cho các khách mời tới dự buổi Tọa đàm
Các sai phạm đã được xác minh, xử lý và hoạt động giám sát, kiểm tra sau đó của các địa phương đã được tăng cường nhằm ngăn chặn tái phạm.
Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực:
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (17.303/17.778 cơ sở) (tăng so với năm 2016 (91%) tuy nhiên tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 48,23%, giảm so với năm 2016 (57%); tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16% (6.294/6.756 cơ sở) (tăng so với năm 2016 là 89,9%), tuy nhiên tỷ lệ các cơ sở loại C được tái kiểm vẫn còn thấp (13,42%)
- Không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ (năm 2016 vẫn phát hiện 0,44% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol); tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0.63% (21/3341 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).
Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATTP đạt gần 50 tỷ đồng
- Về vật tư nông nghiệp: đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 5.013 cơ sở, phát hiện 746 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và xử phạt 214 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 34.538 cơ sở, phát hiện và xử phạt 6.309 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp 49,7 tỷ đồng.
- Về an toàn thực phẩm: đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 17.269 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 24,8 tỷ đồng. Đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, tp Hồ Chí Minh (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3000 con heo)
- Về kiểm soát tạp chất trong thủy sản: Bộ đã đẩy mạnh triển khai Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Các địa phương đã tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn. Đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỉ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đặc biệt đã có trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm tạp chất trên địa bàn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu).
- Kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các sự cố an toàn thực phẩm như vụ việc giết mổ lợn chết làm thực phẩm tại Cao Bằng; kho lạnh bảo quản thực phẩm ôi thiu, không bảo đảm ATTP tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội; hiện tượng bơm nước, tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, vứt xác gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất giá đỗ trên địa bàn Thừa Thiên Huế...
Năm 2017, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 11-KL/TW ngày 09/01/2017 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới. Trên cơ sở giám sát tối cao, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2020 và sau Chỉ thị số 13/CT-TTg của ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.
Triển khai các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) quyết định chọn năm 2017 là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị và các cơ quan của ngành tại địa phương tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản góp phần tạo nguồn cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho nhân dân, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản và đạt được những kết quả quan trọng.