Sáng 29/4, toạ đàm trực tuyến “Quản trị thông minh – An toàn mùa dịch” đang được diễn ra với sự tham gia của ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương , Công ty TNHH Manpower Việt Nam cùng đại diện các Công ty, doanh nghiệp sẽ giúp cho các doanh nghiệp có những giải pháp, định hướng phát triển kinh tế và ổn định sản xuất.
An toàn, thích ứng và chiến đấu lâu dài với dịch
Bà Hoàng Thủy Chung, Ban Biên tập BizLIVE cho biết, mới đây Thủ tướng ban hành Chỉ thị 19, tiếp tục thực hiện phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Nội dung khẳng định “chúng ta bước sang giai đoạn chung sống an toàn với dịch, quán triệt mục tiêu kép “chống dịch như chống giặc”, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho xã hội.
Bà Hoàng Thủy Chung, Ban Biên tập BizLIVE
Để làm tốt được mục tiêu kép này hai chữ “an toàn” là then chốt để thực hiện. Chung sống trong môi trường dịch bệnh, đặc biệt là môi trường sử dụng nhiều lao động có rủi ro rất cao. Khi có rủi ro thì hậu quả khôn lường không chỉ cho cá nhân mà còn cho cộng đồng. Do đó, hôm nay Tạp chí Lao động và Công đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, Công ty Manpower Việt Nam tổ chức tọa đàm Quản trị thông minh – An toàn mùa dịch”.
Phát biểu khai mạc, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, như chúng ta được biết gần 4 tháng qua hầu hết các nước trên thế giới cùng phải gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19 . Đây là một trong những đại dịch đã tạo nên cú sốc rất lớn đối với nền kinh tế, đời sống xã hội, việc làm của người lao động, giao tiếp xã hội cũng như quan hệ quốc tế.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Thời gian tới dịch bệnh tiếp tục được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, mặc dù Việt Nam về cơ bản đã đẩy lùi và kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Tục ngữ Việt Nam có câu “cái khó ló cái khôn” rất nhiều doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan đã tìm ra những giải pháp để thích nghi với đại dịch Covid-19. Chúng ta đã làm việc tại nhà, hình thành những mô hình quản trị tại nhà rất phù hợp để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo hoạt động lao động, sản xuất, phát triển kinh tế đất nước.
Có thể nói rằng quản trị thông minh để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, thích ứng và “chiến đấu" lâu dài với dịch.
"Trong lúc cả nước đang chiến đấu với dịch bệnh hôm nay tôi rất vui mừng được đến dự buổi tọa đàm. Tôi kỳ vọng thông qua buổi tọa đàm này các khách mời sẽ cùng chia sẻ những việc đã làm được cũng như những vấn đề đã đề xuất, các giải pháp để cùng chung sống với dịch, nhất là những mô hình hiệu quả. Vì trong bối cảnh an ninh phi truyền thống, các cuộc khủng hoảng có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Trong bối cảnh phát triển mới rõ ràng năng lực thích ứng trở thành năng lực nội sinh, như một đòi hỏi đối với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nào. Tôi rất mong chúng ta sẽ chia sẻ được những kinh nghiệm, cách làm hay để gợi mở nên những vấn đề lâu dài cho người lao động, doanh nghiệp và chính hoạt động công đoàn", ông Hiểu nói.
Cũng theo ông Hiểu, thời gian qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động đã nỗ lực tìm kiếm được các giải pháp và ngay cả công đoàn, trong đó, công đoàn Bình Dương cũng là một trong những điển hình của cả nước trong việc trăn trở tìm kiếm các giải pháp hoạt động để làm tốt công tác tuyên truyền, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Khái niệm an toàn trong thời điểm hiện tại có nội hàm rất rộng
Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết, chuẩn bị bước vào tháng 5 chúng ta lại chung tay góp sức cho công tác an toàn lao động, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang chung tay thực hiện các biện pháp đẩy lùi đại dịch Covid-19, cũng như tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và xã hội
Có thể nói vấn đề an toàn vệ sinh lao động hiện nay tác động đến tất cả mọi người, trong đó có người lao động. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tháng 5 hằng năm chúng ta phát động tháng an toàn vệ sinh lao động và đã thực hiện được 3 năm, nay nay là năm thứ tư.
Ban chỉ đạo Trung ương và các cơ quan sẽ phát động tháng an toàn năm nay trong điều kiện dịch bệnh, không có cơ hội làm những cái truyền thống, đây là cơ hội thay đổi. Theo chỉ đạo sẽ làm trực tuyến theo cách thức theo xu thế của thời đại. Chủ đề năm nay là “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Cụm từ “an toàn” đang là cụm từ được nhấn mạnh trong các chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương để phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời, khởi động lại phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Khái niệm an toàn trong thời điểm hiện tại có nội hàm rất rộng, trong thời điểm hiện nay có thể thấy mọi lĩnh vực đều đặt ra những yêu cầu về an toàn. Trong đó, chúng ta phải đánh giá được nguy cơ và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Đây chính là chủ đề của tháng hành động năm nay để hướng đến mọi cơ quan, doanh nghiệp, người lao động đều có thói quen làm việc an toàn.
Doanh nghiệp Bình Dương đã chủ động thích nghi tốt
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, kiểm soát dịch bệnh của Bình Dương rất tốt. Trong bối cảnh dịch bệnh mỗi doanh nghiệp, cá nhân người lao động ý thức việc đảm bảo sức khoẻ và an toàn sản xuất.
Từ tác động tiêu cực của dịch bệnh tổ chức công đoàn thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách thức sản xuất so với trước, tuỳ theo chỉ đạo cơ quan chức năng và điều kiện của doanh nghiệp. Phòng tránh lây nhiễm trong nhà ăn, họ đã sáng tạo rất hay, Bình Dương là địa bàn thiết kế tấm chắn nhà ăn đầu tiên ở Việt Nam, doanh nghiệp ít lao động thiết kế bằng ghế, nhiều doanh nghiệp công nhân đông hơn làm tấm chắn nhựa… đây là điều doanh nghiệp chủ động thích nghi và là sáng kiến rất hay.
"Chúng tôi nhận thấy thông qua tuyên truyền vận động người lao động tuân thủ tốt các biện pháp được doanh nghiệp đề ra, đồng tình và chấp hành tốt việc bảo vệ sức khoẻ cho cá nhân, gia đình và cộng đồng", bà Hạnh nói.
Nhiều doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý thông minh, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhau, trao đổi qua mạng xã hội qua các nhóm online, triển khai các hoạt động phù hợp trong mùa dịch.
Ông Phạm Thanh Danh - Giám đốc CDC Bình Dương cho biết, với số chuyên gia lao động nước ngoài, những ngày đầu tiên UBND tỉnh ủy, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt theo các chỉ đạo của Chính phủ, nên công tác phòng chống dịch tới thời điểm này có kết quả khả quan.
Thời gian vừa qua Ban chỉ đạo tỉnh, các đơn vị, ban ngành đoàn thể thường xuyên kiểm tra các cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của ban chỉ đạo quốc gia, tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện phân vùng phù hợp giữ khoảng cách. Đó là những việc chúng tôi thấy đã làm được, thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá, nâng cao ý thức của các doanh nghiệp cũng như người lao động làm sao đảm bảo được an toàn sản xuất, xử lí nghiệm các đối tượng vi phạm.
Trạng thái bình thường mới sẽ rất khác
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Phòng dịch vụ khoán việc và cho thuê lao động Công ty TNHH Manpower Việt Nam cho biết, vấn đề đảm bảo cho lực lượng lao động trở lại làm việc sau thời gian giãn cách xã hội là đảm bảo an toàn, đảm bảo sản xuất.
Ông Sơn cho biết, tác động của Covid-19 khiến 2,7 tỷ người lao động bị ảnh hưởng do việc đóng cửa toàn bộ hoặc 1 phần khi các doanh nghiệp triển khai việc tạm dừng hoặc dừng hoạt động. 2 viễn cảnh có thể xảy ra, Covid-19 được khống chế nhiều nước mong đợi, tăng trưởng vẫn ảnh hưởng, viễn cảnh 2 là đại dịch kéo dài hơn, Mỹ và Châu Âu tăng trưởng có thể âm.
Toạ đàm trực tuyến với 2 điểm cầu tại Hà Nội và Bình Dương
Theo khảo sát của Manpower tại Mỹ, điều khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất là đóng cửa doanh nghiệp nếu nhân viên, khách hàng bị dương tính; tính tuân thủ khi có dịch; luôn muốn đảm bảo người lao động được duy trì lương, không muốn bị ảnh hưởng dẫn đến người lao động mất lương. Điểm quan tâm ít nhất là Covid-19 xảy ra làm ảnh hưởng đến kinh doanh. Có thể thấy doanh nghiệp để ý đến con người đầu tiên, kinh doanh gián đoạn nhưng trong thời gian ngắn. Thiếu hụt nhân sự cũng là điểm họ quan tâm.
Việt Nam như thế nào? Người lao động bị giảm giờ làm hoặc thậm chí mất việc. Một số phương pháp chúng tôi có thể chia sẻ: Trạng thái bình thường mới sẽ khác với trước kia, để ý khoảng cách vật lý, xét nghiệm thường xuyên cho người lao động. Doanh nghiệp đưa ra hướng dẫn, quy trình đảm bảo người lao động hiểu rõ an toàn với mọi người khi quay trở lại là như thế nào.
Về phía người lãnh đạo phải thay đổi tư duy lãnh đạo so với trước đây, họ phải áp dụng kỹ năng lãnh đạo số, cho phép nhân viên chủ động hoạt động, luôn luôn truyền cảm hứng khuyến khích nhân viên sáng tạo hơn, tự giác hơn trong công việc.
Để trang bị cho những lãnh đạo cấp cao cũng như cấp trung Manpower có rất nhiều khóa học nâng cao kĩ năng lãnh đạo, kỹ năng số, kỹ năng quản lý mọi người có thể tham gia.
Manpower là tập đoàn có hơn 70 năm kinh nghiệm trên toàn thế giới và doanh thu hàng năm rơi vào 21 tỷ USD, có 30.000 nhân viên trên toàn cầu và có 400.000 khách hàng. Các dịch vụ Manpower cung cấp thì bao gồm dịch vụ tính lương, khoán việc và cho thuê lại lao động, dịch vụ tuyển dụng nhân sự, tư vấn nhân sự....
Tại Việt Nam, Manpower thành lập năm 2008, là công ty FDI đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép cung cấp các giải pháp nhân sự, có hơn 80 chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm trong nhiều ngành nghề, đối tác của Bộ LĐ-TB&XH.
Giờ ăn cũng chia ca, giữ khoảng cách an toàn 2m
Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch công đoàn Công ty Sung Shin Vina cho biết, để phòng chống Covid-19, công ty đã thành lập ban phòng chống Covid-19, yêu cầu 100% công nhân đeo khẩu trang, luôn có một cán bộ y tế và một cán bộ ban phòng chống kiểm tra nhiệt độ cho công nhân, duy trì khoảng cách 2m, tuyên truyền cho công nhân, có màn che để tránh giọt bắn giữa các công nhân, có cồn khử trùng và phun thuốc khử trùng hằng ngày các công xưởng.
Công ty cũng xác định nhà ăn là nơi tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh, nên yêu cầu các nhân viên nhà ăn rửa tay sạch sẽ, đeo bao tay, khẩu trang, mũ tránh giọt bắn để đảm bảo vệ sinh cho thực phẩm. Đồng thời, công ty đã chia ca cho công nhân đi ăn theo giờ để tránh tập trung đông người, yêu cầu công nhân luôn duy trì khoảng cách 2m. Trong khi công nhân ăn công ty sẽ chiếu các video về phòng chống Covid-19 để mọi người cùng xem.
Đối với bộ phận văn phòng, công ty cũng yêu cầu luôn đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, hạn chế sử dụng điều hòa; khử trùng máy vi tính, bàn làm việc hai lần mỗi ngày; ban phòng chống Covid-19 cũng kiểm tra y tế hằng ngày. Cán bộ y tế được trang bị các bộ đồ bảo hộ.
Ngoài việc cố gắng đảm bảo đủ lương cho công nhân, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người lao động trong thời điểm dịch bệnhmỗi công nhân khoảng 20kg gạo, với tổng số tiền khoảng 150 triệu đồng/tháng.
4 khó khăn với Esques
Ông Tạ Kim Đoan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Esques cho biết, phòng chống dịch của công ty có 4 khó khăn như việc chấm công, vừa giãn cách, vừa đảm bảo giờ làm nên phải tăng cường lực lượng bảo vệ, mở nhiều cửa; triển khai đồng bộ hướng dẫn cách tham gia làm việc trực tuyến, các nhóm chat trao đổi nội bộ; việc bố trí máy nhằm đảm bảo khoảng cách; đảm bảo tiến độ và hiệu suất. "Vaccine hiện chưa có nhưng trong công ty có “vaccine tinh thần” gửi gắm thông điệp phòng chống dịch", ông Đoan nói.
Ông Tạ Kim Đoan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Esques
Hiện công ty đang có 4 nhà máy tại Việt Nam với hơn 13.000 người lao động. Công ty đã có sự chuẩn bị, phối hợp với các bộ phận nên không có nhiều khó khăn khi công nhân trở lại làm việc.
Chia sẻ thêm về các giải pháp phòng chống dịch, ông Phạm Thanh Danh - Giám đốc CDC Bình Dương cho biết, trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, CDC đều yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức, mỗi người công nhân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, không chỉ làm tốt trong công ty mà còn phải làm tốt ở gia đình và cộng đồng. Thực hiện tốt nghĩa vụ của người công nhân.
Thực tế, ở các doanh nghiệp có mô hình quản lý công nhân tốt, họ luôn nắm chắc được địa bàn sinh sống của công nhân để có quy trình xử lý nhanh và tốt các trường hợp công nhân nếu chẳng may gặp vấn đề.
Tóm lược lại nội dung của các khách mời, bà Hoàng Thủy Chung cho rằng, trong công tác phòng chống dịch bệnh, còn rất nhiều mối đe dọa ở phía trước, các doanh nghiệp phải nghiêm túc phòng chống dịch bệnh. Đó cũng yêu cầu để vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho công nhân. Doanh nghiệp phải luôn có giải pháp chủ động xử lý các tình huống, trong đó có việc phòng chống dịch.
Bà Chung cũng chia sẻ câu chuyện của May 10, ngoài các giải pháp như doanh nghiệp khác vẫn thường làm như tuyên truyền đến công nhân, làm các vách ngăn, chia nhỏ giờ ăn, hay hỗ trợ công nhân để không phải chật vật tìm kiếm lao động sau khi đại dịch qua đi; hạn chế giao tiếp, tăng cường giao dịch trực tuyến để tránh sử dụng tiền mặt, May 10 còn thực hiện 4 giải pháp khác.
Các giải pháp này bao gồm: cấm nói chuyện giữa các công nhân; phân luồng, tổ chức đường đi một chiều để hạn chế tiếp xúc đối diện; tổ chức thành lập các tổ chức ứng phó với dịch, để trong trường hợp nếu có công nhân nhiễm bệnh, sẽ khoanh vùng luôn, trong bán kính 50m; lên kịch bản tình huống tốt, xấu và xấu nhất để chủ động trong hành động.
Phát biểu kết thúc toạ đàm, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Bình Dương là địa phương có nhiều lao động nhưng kiểm soát tốt dịch bệnh, ghi nhận nỗ lực của tất cả chúng ta, sự vào cuộc của các cấp ngành, sự vào cuộc của công đoàn, các chiến sĩ tuyến đầu như các bác sĩ. Các doanh nghiệp trong bối cảnh này bằng mọi giải pháp duy trì được việc làm, đời sống người lao động, có những quan hệ có đôi lúc chúng ta lo lắng nhưng ở thời điểm khó khăn, người lao động cũng có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp, doanh nghiệp đảm bảo được việc làm, đời sống cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực để có mô hình giải pháp giúp người lao động an toàn, có giải pháp truyền thống, giải pháp mới chưa có tiền lệ.
"Vài ngày nữa bước sang Tháng Công nhân, nhân đây tôi kêu gọi các cấp công đoàn, lấy an toàn cho người lao động là điểm chốt, đây cũng là mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập trung đánh giá khảo sát, thống kê tình hình đời sống việc làm của người lao động, thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ, chăm lo bảo vệ quyền lợi của người lao động, không bị tác động ngầm chấm dứt hợp đồng lao động, làm tốt công tác tuyên truyền. Chúng ta cùng bàn bạc với doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó, duy trì việc làm và thu nhập ổn định. Với kết quả Bình Dương đã đạt được và cả nước, dịch sẽ sớm kết thúc ở Việt Nam và chiến thắng vào mùa hè năm 2020", ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cũng gửi lời cảm ơn tới các đơn vị đã luôn đồng hành với tổ chức công đoàn người lao động.