Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63% (tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 3,16%), tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Trong khi tín dụng chảy vào các ngành, lĩnh vực tăng khá thì tín dụng riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME - DNNVV) lại tăng chậm. Theo đại diện NHNN, lý do là bởi phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả...
Một thống kê được đưa ra trong năm 2018 cho thấy, dù chiếm đến hơn 90% số các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng nhóm chỉ khoảng hơn 30% các doanh nghiệp SME tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các ngân hàng, còn lại phải tiếp cận nguồn vốn phi chính thức mà trong đó có nhiều khoản đến từ tín dụng đen với lãi suất rất cao. Việc nhóm DNNVV khó tiếp cận vốn sẽ không chỉ là khó khăn của bản thân họ mà còn được cho là cản đà phát triển chung của nền kinh tế.
Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là, làm sao để khơi thông được vốn cho nhóm SME luôn là vấn đề thường trực đặt ra với ngân hàng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Rồi, khi đã khơi thông được, áp lực lãi suất huy động của năm 2019 đang gia tăng liệu có tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay không, hoặc kế hoạch siết chặt tín dụng của NHNN có ảnh hưởng đến dòng tín dụng chảy tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không... cũng là những câu hỏi đang rất thời sự.
Đứng trước vấn đề này, Ban biên tập Báo điện tử Trí thức trẻ (ttvn.vn) kết hợp với Kênh thông tin tài chính CafeF (cafef.vn) sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các diễn giả:
1. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
2. Đại diện Ngân hàng Nhà nước
3. Ông Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng giám đốc ABBank
4. Ông Lê Xuân Tưởng - Giám đốc CTCP Thiết bị và hóa chất Thăng Long
5. Bà Đinh Vân Trang - Phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Khang Nguyên.
Buổi tọa đàm sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 17/4 và tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Trí thức trẻ, đăng lại trên kênh thông tin CafeF.vn và Fanpage để độc giả tiện theo dõi. Ngay từ bây giờ, Quý độc giả có câu hỏi gửi tới các diễn giả xin vui lòng gửi tới Ban tổ chức qua địa chỉ email: info@cafef.vn