Chiều ngày 4/5/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank - OJB).
Trước đó, phiên tòa đã diễn ra trong 2 tuần kể từ ngày 18/4. HĐXX đã tạo điều kiện tối đa cho các bị cáo được trình bày, tự bào chữa, các luật sư bào chữa và tranh luận đối đáp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Riêng phiên 3/5 là phiên xét xử cuối, tòa phải làm việc từ 8h sáng đến 22h30.
Tại tòa hôm nay, HĐXX phúc thẩm kết luận có đủ cơ sở cho thấy Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt tài sản, tham ô…Do vậy Nguyễn Xuân Sơn buộc phải hoàn trả 69 tỷ đã chiếm đoạt của BSC để xung vào công quỹ. Với số tiền tham ô 49 tỷ đồng, Sơn khai đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh 20 tỷ đồng và khoản tiền này đã được tách ra để điều tra tiếp.
Liên quan tài sản của Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX cho biết, theo đơn đề nghị của bố, mẹ, vợ của Sơn cũng như tại tòa sơ thẩm, tuy bà Xuân vợ ông Sơn không kháng cáo, nhưng trình bày tại tòa cho rằng vợ chồng bị cáo có tài sản chung – hình thành trước khi Sơn về OJB, nếu Sơn bị kết tội tham ô tài sản thì bà sẵn sàng dùng tài sản riêng để khắc phục cho Sơn được hưởng khoan hồng. Riêng căn nhà tại Ciputra là nơi bà Xuân và cha mẹ già đang sinh sống, bà Xuân kiến nghị giải tỏa để gia đình bà có chỗ sinh sống.
HĐXX thấy nguyện vọng của bà Xuân là có đủ căn cứ do đó đề nghị cơ quan thi hành án hướng dẫn để bà Xuân được thực hiện việc góp tiền khắc phục thiệt hại cho Nguyễn Xuân Sơn. Với căn nhà ở Ciputra, HĐXX cũng nhận thấy đó là đề nghị chính đáng và đề nghị cơ quan thi hành án xem xét.
Về tội tham ô, cả hai bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đều kháng cáo. HĐXX nhận thấy đây cũng là nội dung mấu chốt của vụ án này, gây nhiều tranh cãi, bào chữa nhất, chiếm nhiều thời gian xét xử nhất.
HĐXX nhận thấy, thực chất không phải các bị cáo kháng cáo kêu oan, mà có chăng cho rằng cấp sơ thẩm xét xử không đúng tội danh. Vì quá trình xét hỏi làm rõ phạm vi tội danh, các bị cáo nhắc đi nhắc lại rằng nếu cấp sơ thẩm xét xử tội cố ý làm trái thì bị cáo sẽ không kháng cáo. Các luật sư tranh luận tại tòa khẳng định Sơn không tham ô, không chiếm đoạt tài sản vì không phải là chủ thể của tài sản, cũng không phải đại diện cho PVN.
Đại diện VKS nhân dân tối cao thì khẳng định các bị cáo tham ô tài sản, chiếm đoạt tài sản 49 tỷ là đúng, vì trong đó có 20% tài sản là của Nhà nước, phần còn lại 197 tỷ là lạm dụng chức vụ. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng Sơn đã tham ô cả 246 tỷ, và việc tòa sơ thẩm tuyên Hà Văn Thắm quy kết đồng phạm với Sơn là đã có xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
HĐXX nhận thấy, Nguyễn Xuân Sơn không oan. Sơn đã nhận 246 tỷ, mà số tiền này đáng lẽ ra phải đưa cho PVN tức là đưa cho Nhà nước, nhưng Sơn đã chiếm đoạt 49 tỷ tức Nhà nước thiệt hại 49 tỷ, vì thế việc kêu oan của Sơn là không đúng. Không ai có thể phủ định tầm ảnh hưởng của Sơn với PVN và OceanBank khi Sơn từng là phó chủ tịch rồi là chủ tịch PVN, tổng giám đốc OceanBank. Hà Văn Thắm đồng tình với Sơn, chuyển tiền cho Sơn để PVN thiệt hại thì Hà Văn Thắm đã giúp sức để Sơn phạm tội tham ô.
Dẫu vậy Sơn đã tỏ ra thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, đặc biệt là trong giai đoạn phúc thẩm. Hơn nữa bản thân bị cáo và gia đình có nhiều thành tích, có công với cách mạng. Tại tòa ngày 2/5, bà Võ Thị Thanh Xuân đã nộp 5 tỷ để khắc phục cho Sơn. HĐXX nhận thấy bị cáo có nhiều tài sản nhưng đang bị kê bên, cũng như đơn của gia đình bị cáo, Sơn đã thể hiện sớm muốn khắc phục hậu quả, do đó HĐXX kiến nghị cơ quan thi hành án Hà Nội cần khẩn trương phân định tài sản để bố, mẹ, vợ Sơn xác định tài sản để khắc phục cho Sơn. Sau khi khắc phục được 3/4 số tiền, HĐXX kiến nghị tòa án nhân dân tối cao giảm án cho Sơn từ tử hình xuống chung thân theo quy định tại Bộ luật hình sự.