Trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 31/5, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, kết quả giám sát tối cao về đất đai đô thị đã được báo cáo đầy đủ trước Quốc hội tại kỳ họp này. Việc điều chỉnh quy hoạch, các vi phạm đã được thể hiện rõ nét qua video clip đã được trình chiếu tại Quốc hội.
Đề cập đến việc điều chỉnh quy hoạch, ông Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra những bất cập, chẳng hạn như một số dự án ở Mê Linh, Hà Nội, do cơ chế chính sách ở địa phương khác nhau về trước và sau khi sáp nhập, nên kéo dài. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm “phải rà soát xử lý, không để dự án treo”.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, với hàng nghìn dự án được điều chỉnh quy hoạch, số lượng nhiều như vậy nên đoàn giám sát không thể chỉ ra cụ thể chi tiết từng dự án, mà chỉ đưa ra quy tắc chung.
Liên quan đến phản ánh của đại biểu Quốc hội về việc “điều chỉnh dự án theo lợi ích nhà đầu tư”, Phó đoàn giám sát cho rằng, đó chỉ là dấu hiệu, và cơ quan thanh tra phải có trách nhiệm làm rõ. “Đoàn giám sát của Quốc hội phải có cơ chế chung, ví dụ doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu không đúng quy trình, thủ tục, phương án sử dụng đất thì phải thu hồi dự án đó, không để lợi ích nhà nước rơi vào tay của đơn vị cổ phần hóa”.
Liên quan đến một số khu vực bị phá vỡ quy hoạch ở Hà Nội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, báo cáo giám sát đã chỉ rõ vi phạm tập trung vào đô thị, vùng trung tâm đô thị. Đối với khu vực Linh Đàm, Hà Nội điều chỉnh quy hoạch, xảy ra nhiều bất cập, các tòa nhà xây dựng sát sạt nhau, gây kẹt xe, hệ thống bệnh viện, trường học thiếu đồng bộ…theo ông Thanh, tất cả những bất cập đó “đang được đề nghị”.
“Làm việc với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói đang chuyển cơ quan điều tra”, ông Thanh cho hay.
Liên quan đến xử lý các sai phạm xây dựng, vượt tầng vượt chiều cao, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Chỉ có thể khắc phục bằng cách cải thiện hệ thống hạ tầng, không thể phá nhà đi vì dân mua rồi. Đáng lẽ hạ tầng kỹ thuật phải xây trước, giờ như vậy rồi, phải bổ sung sau”.
Trước đó, ông Vũ Hồng Thanh đã báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018) tại Quốc hội.
Đoàn giám sát chỉ rõ, hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ lụy về hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, tỷ lệ đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...
Đoàn giám sát dẫn chứng, tỷ trọng công trình cao tầng ở khu vực nội đô Hà Nội lên tới 80%, trong khi thiếu liên kết về hạ tầng. Việc co cụm các dự án nhà ở cao tầng đã gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội; địa phương không dành đủ quỹ đất cho giao thông, khiến vấn đề ách tắc càng thêm trầm trọng.
Theo đó, lượng dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2017. Nếu giai đoạn 2006 - 2011, cả nước có khoảng 2.500 dự án thì con số này tăng lên gần gấp đôi trong hơn 5 năm qua với 4.438 dự án, trong đó 284 dự án có quy mô sử dụng đất trên 50 ha.
Nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân. Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được coi là một điển hình của sai phạm trong xây dựng, khi chủ đầu tư không làm theo giấy phép xây dựng, không giật cấp ở một số tầng, mà tự ý tăng chiều cao các tầng.