Theo thông tin phản ánh lại, ngày 9/2/2017, khách hàng Hương đã gửi tiết kiệm 10 triệu đồng (đương sự cho là 100 triệu đồng) tại Phòng giao dịch Vĩnh Hoàng thuộc Vietcombank chi nhánh Chương Dương và nhận được thẻ tiết kiệm số 04046466 do Phòng giao dịch Vĩnh Hoàng cấp.
Phía Vietcombank cho biết số tiền khách hàng gửi là 10 triệu đồng, thế nhưng, giao dịch viên Nguyễn Thị Hằng đã nhập nhầm số liệu và in sổ tiết kiệm thành 100 triệu đồng cho bà Hương.
Đại diện các bên nghe toà tuyên án
Ngay khi phát hiện ra khúc mắc trên, vào thời điểm ngân hàng tiến hành kiểm quỹ vào cuối phiên giao dịch cùng ngày (9/2/2017), phía ngân hàng đã phát hiện có sự nhầm lẫn.
Sau đó, chị Hằng cũng như nhiều nhân viên ngân hàng đã gọi điện đến nhà, nhắn tin, gửi giấy mời… với mong muốn gặp bà Nguyễn Thị Thanh Hương để giải quyết sự việc trên, song bà Hương từ chối làm việc và yêu cầu ngân hàng trả đủ 100 triệu đồng.
Lãnh đạo phòng giao dịch cũng như thành viên Ban giám đốc ngân hàng cùng với giao dịch viên Nguyễn Thị Hằng đã nhiều lần gọi điện nhận sai sót về phía ngân hàng và mong muốn được hợp tác cùng với bà Hương để giải quyết vụ việc. Song quan điểm của bà Hương là ngân hàng phải trả đủ theo số tiền ghi trên sổ và không hòa giải…
Thậm chí, khách hàng và ngân hàng đã phải cùng nhau giải quyết tại Cơ quan Công an Quận Hoàng Mai. Ngân hàng đã cung cấp toàn bộ hồ sơ và cả hình ảnh camera (do phát hiện ngay chiều hôm giao dịch nên ngân hàng có đầy đủ camera ghi toàn bộ quá trình giao dịch). Công an đã kết luận không có hành vi như khách hàng tố cáo đối với giao dịch viên của ngân hàng.
Do hai bên không tự giải quyết được, Vietcombank Chương Dương đã khởi kiện để yêu cầu hủy thẻ tiết kiệm đã phát hành do sai giá trị cho khách hàng Hương và TAND quận Hoàng Mai đã thụ lý xét xử vào ngày 9/5/2019.
Tại tòa toàn bộ chứng cứ của hai bên đã được cung cấp trong đó có cả toàn bộ cảnh ghi hình khách hàng đến giao dịch vào ngày 9/2/2017 tại Phòng giao dịch Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dù hình ảnh đã được công bố tại tòa rất rõ ràng và các bản ảnh về camera đã được khách hàng kí nhận tại cơ quan CSĐT quận Hoàng Mai từ lần giải quyết trước và hình ảnh camera này cũng đã được Viện khoa học hình sự giám định từng giây, từng phút nhưng đại diện phía khách hàng vẫn lập luận rằng con số 100 tờ tiền hiện lên trên màn hình máy đếm tiền quay về phía khách hàng có thể bị làm “sai” vì không nhìn thấy dây dẫn nối từ máy đếm tiền đến vào đồng hồ.
Với lập luận kiểu này có lẽ các ngân hàng sẽ phải “trưng” toàn bộ dây nối, máy tính… cho khách hàng xem! Đại diện khách hàng cũng cho rằng dấu nhân (X) giữa số 100x100 viết “lệch” không theo chuẩn sách giáo khoa cấp 1! Thế nhưng điều cốt lõi là làm thế nào 1 thếp tiền có thể thành 100 triệu thì vị đại diện này, cũng như bị đơn Nguyễn Thị Thanh Hương có mặt tại tòa không thể trả lời tòa được!
Tại tòa, trích lục các bản khai tại cơ quan điều tra quận Hoàng Mai, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng mình mang 10 thếp loại 100.000 đồng cho vào hai túi áo khoác khi đến giao dịch với ngân hàng. Thế nhưng trích xuất camera tại tòa, cả bà Hương và những đương sự đều chỉ thấy bà Hương cầm ví nữ nhỏ và mặc áo sơ mi bình thường chứ nào thấy áo khoác? Và số tiền bà đưa cũng chỉ là một thếp tiền nhỏ chứ chẳng thấy cả chục thếp tiền như bà đã khai tại cơ quan điều tra đâu?
Rời tòa, người viết chợt nghĩ đến việc ngày càng nhiều cô gái ngân hàng “ế”! Vâng áp lực công việc quá lớn, mỗi giao dịch viên như Hằng mỗi ngày phải viết hàng trăm phiếu thu chi, với hàng trăm khách hàng khác nhau thì những sai sót là khó tránh khỏi và việc viết dấu “nhân” sai chuẩn cũng là điều dễ hiểu. Sai sót nào cũng phải trả giá, trưởng phòng giao dịch Hoàng Mai và bản thân Hằng đã phải nhận kỷ luật của cơ quan. Áp lực là thế ai còn dám lấy gái ngân hàng nữa nhỉ?
Đây thực sự là một bài học quí giá về “sai một li, đi một dặm” nếu gặp phải những trường hợp như thế này.