4 GIAI ĐOẠN DỊCH COVID-19 TẠI VIỆT NAM
Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ 23/1 - 24/7/2020 với ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, là ca nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc). Dịch bệnh sau đó lan ra 13 tỉnh, ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trung bình đợt dịch thứ nhất ghi nhận bình quân 1,17 ca bệnh/ngày.
Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Ở đợt dịch này, đỉnh dịch là ngày 30/3/2020, với 14 ca/ngày, sau đó từ 0 giờ ngày 1/4, Việt Nam thực hiện giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Các biện pháp kiểm soát đã giúp Việt Nam có 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng cho đến ngày 25/7.
Giai đoạn thứ 2 kéo dài từ 25/7/2020 - 27/1/2021, diễn ra cao điểm nhất trong 36 ngày (từ 25/7/2020 - 29/8/2020) tại Đà Nẵng, ca bệnh bùng phát là một bệnh nhân của Bệnh viện C Đà Nẵng, không rõ nguồn lây.
Tuy bùng phát ngắn hơn, nhưng đợt dịch thứ 2 ghi nhận tới 554 ca bệnh ngoài cộng đồng, gấp hơn 5,5 lần đợt dịch thứ nhất. Đỉnh dịch là ngày 31/7/2020, tức là chỉ vào ngày thứ 6 sau khi dịch bùng phát, với 56 ca bệnh được phát hiện trong ngày.
Trong đợt 2, vào ngày 28/7/2020, Đà Nẵng là vùng dịch nguy hiểm nhất đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Giai đoạn dịch thứ 2 tại Việt Nam cũng ghi nhận những ca tử vong đầu tiên, các bệnh nhân Covid-19 tử vong đều mang bệnh nền, đến ngày 27/1/2021 ghi nhận 35 ca bệnh tử vong.
Giai đoạn thứ 3 kéo dài từ 28/1 - 26/4/2021, bùng phát tại Hải Dương từ một nữ công nhân người Việt Nam đã xác định dương tính với Covid-19 khi nhập cảnh vào Nhật Bản, được cơ quan y tế Nhật Bản nhận định mắc biến chủng mới của Anh. Đợt dịch này ghi nhận tới 910 bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng, cao gần gấp đôi đợt dịch thứ 2, chủ yếu tại ổ dịch Hải Dương (726 ca, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh).
Đợt dịch thứ 3 lây lan ra 13 tỉnh, thành ở cả 3 miền, đỉnh dịch là ngày 31/1/2021, với 97 ca bệnh được ghi nhận trong ngày.
Trong đợt 3, Hải Dương là ổ dịch lớn nhất cả nước, ổ dịch lớn thứ 2 là Đông Triều (Quảng Ninh) đều thực hiện giãn cách xã hội.
Giai đoạn thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021, khi Việt Nam phát hiện một bệnh nhân là nhân viên khách sạn tại Yên Bái - nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Tiếp đó là ca bệnh 2899 trở về từ Nhật Bản bị phát hiện dương tính ngày 29/4 sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày. Từ đó, dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và đến nay chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.
Đây là đợt lây lan rộng nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam với nhiều ổ dịch lớn (Ổ dịch tại Hà Nam, ổ dịch Vĩnh Phúc, Yên Bái, ổ dịch liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, ổ dịch liên quan đến Bệnh viện K Tân Triều, ổ dịch tại Đà Nẵng, ổ dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh...) các ổ dịch này đến nay đã được khoanh vùng kiểm soát, tuy nhiên mới đây xuất hiện thêm ổ dịch mới tại TP.HCM liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Hiện TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ ngày 31/5/2021.
Đợt dịch thứ 4 đang ghi nhận trên 25,6 ca bệnh/ngày - cao nhất trong cả 4 đợt dịch.
Đặc biệt, đợt dịch này ghi nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 chủng Ấn Độ, chủng virus này được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine nên được gọi là chủng biến thể kép.
COVID-19 TÁC ĐỘNG MẠNH ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Ngay từ khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội.
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, có tới 85,7% trong tổng số 126.565 doanh nghiệp được khảo sát nói rằng bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%, trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7%.
Một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%, các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.
Dịch vụ, du lịch là ngành phản ánh rõ nét nhất các ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực như: du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không) có mức sụt giảm mạnh, chủ yếu do việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 55,8% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 giảm 18%), khách du lịch trong nước cũng giảm tới 27,3% (quý 1 giảm 6%). Doanh thu toàn ngành giảm 77,8%, cao hơn nhiều so với mức giảm 11% của quý 1/2020.
Tuy nhiên, sang quý 3 và quý 4/2020, tức là giai đoạn dịch thứ 2, các khu vực kinh tế đều có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hơn.
GDP quý 3 và quý 4/2020 tăng trưởng lần lượt 2,62% và 4,48% sau khi chạm đáy ở quý 2 (0,36%), kéo mức tăng chung của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 2,91% - đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Bước sang những tháng đầu năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba và tiếp nối là giai đoạn thứ 4 bùng phát trở lại tại Việt Nam với biến thể mới diễn biến nhanh và phức tạp. Tuy nhiên nhìn chung bức tranh kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78.300 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%. Xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD, nhập siêu 0,37 tỷ USD.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch trong tháng 5. Tuy nhiên hoạt động thương mại, vận tải 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 33,5%, vận chuyển hành khách tăng 4,2%, luân chuyển hành khách tăng nhẹ 0,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 10,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,2%.
Riêng khách quốc tế đến nước ta 5 tháng đầu năm 2021 giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm - tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Từ diễn tiến của nền kinh tế qua các giai đoạn dịch có thể thấy Chính phủ đang chỉ đạo áp dụng rất tốt các biện pháp bảo đảm "mục tiêu kép" giữa khống chế dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp và kéo dài, chưa một quốc gia, tổ chức hay các nhân nào có thể khẳng định thời điểm kết thúc. Do đó, đại dịch này vẫn đang là mối đe dọa lớn, nếu không kiểm soát tốt.