Chè đã trở thành đồ uống được nhiều người sử dụng nhất trên toàn cầu. Số liệu đưa ra tại Diễn đàn Chè thế giới năm 2018 cho thấy trong tổng số 1,6 triệu lít đồ uống không cồn sử dụng trên toàn cầu thì chè chiếm 266 tỷ lít. Tính trung bình trên toàn cầu, mức tiêu thụ chè là 35,1 lít/người, cao hơn so với đồ uống có gas (30,6 lít) và cà phê (21,1 lít).
Thị trường chè vốn đã lớn nhưng vẫn không ngừng tăng đều đặn, chủ yếu bởi Trung Quốc, nơi chiếm gần 40% tổng tiêu thụ chè toàn cầu và đang sử dụng lượng chè xanh cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu ở những thị trường khác cũng không ngừng tăng lên, trong đó có Ấn Độ, dư sức bù lại cho mức tăng trưởng yếu ở Châu Âu (nơi doanh số bán chè giảm sút bởi sự cạnh tranh từ nước đóng chai). Nhìn chung, thị trường Châu Âu phần lớn đã bão hòa, tiêu thụ bình quân đầu người giảm trong một thập kỷ qua; hiện tiêu thụ chè đang suy giảm tại hầu hết các nước nhập khẩu truyền thống ở Châu Âu, ngoại trừ Đức.
Năm 2018, giá chè thế giới diễn biến thất thường ở các nước sản xuất và xuất khẩu chủ chốt. Nếu so giá trung bình của năm 2018 so với trung bình năm 2017, giá chè thế giới năm vừa qua tại các thị trường nhìn chung vững đến giảm.
Tại Ấn Độ, giá chè giảm trong 6 tháng đầu năm 2018, từ mức 97,15 rupee tháng 1/2018 xuống 77,82 rupee vào tháng 6/2018 (thấp nhất trong năm 2018). Tuy nhiên, giá đã đảo chiều tăng từ tháng 7/2018. Bước vào đầu năm 2019, giá chè ở mức trung bình 100 rupee/kg, cao hơn 28 rupee so với cùng kỳ năm trước (gần 40%), và cũng là mức cao nhất kể từ 21/4/2017. Nguyên nhân bởi nhu cầu tăng trong khi sản lượng trì trệ. Ngoài ra, đồng rupee mạnh lên so với USD và chi phí sản xuất tăng cũng đẩy giá chè tăng lên.
Khác với thị trường Ấn Độ, giá chè Bangladesh tăng ngay đầu năm 2018, từ mức 238,25 taka/kg lên 280 taka/kg vào tháng 8/2018 và duy trì ở mức cao cho đến cuối năm.
Tại Sri Lanka, giá chè trung bình giảm trong năm 2018 từ mức cao kỷ lục của năm trước do đồng rupee Sri Lanka giảm mạnh so với USD, nhất là trong 4 tháng cuối năm. Trung bình trong năm 2018, giá chè Sri Lanka ở mức 581,91 rupee/kg, giảm 36,23 rupee so với 618,14 rupee của năm 2017 (khi giá cao kỷ lục lịch sử). Nếu tính theo USD, giá chè trung bình năm 2018 là 3,59 USD/kg, giảm 52 US cent so với 4,11 USD trung bình của năm 2017.
Giá chè Kenya liên tiếp giảm trong năm 2018 và kéo dài tới đầu năm 2019. Cuối năm 2018, giá xuống mức thấp nhất kể từ 2014, là 219 shilling/kg, so với mức 278 shilling một năm trước đó, nguyên nhân bởi nguồn cung tăng mạnh.
Tại Việt Nam, trong năm 2018, giá chè cành chất lượng cao tại Thái Nguyên ở mức 195.000 đồng/kg, chè xanh búp khô tại Thái Nguyên 105.000 đồng/kg, chè búp tươi loại 1 (nguyên liệu chè) tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) 9.000 đồng/kg, chè búp tươi loại làm nguyên liệu sản xuất chè đen ở Bảo Lộc 6.000 đồng/kg.
Giá chè cành chất lượng cao nhích nhẹ trong tháng 2/2018 khi nhu cầu tăng trong dịp Tết cổ truyền, lên 200.000 đồng/kg. Các loại chè khác giữ ổn định. Kể từ đó, giá chè ổn định cho tới cuối năm, trong bối cảnh thời tiết diễn biến thuận lợi nên cây chè phát triển tốt.
Sản lượng chè đen toàn cầu tăng 3,14% trong năm 2018 so với năm 2017, chủ yếu do sản lượng của Kenya tăng mạnh. Cụ thể, sản lượng chè đen thế giới trong năm vừa qua đạt 2.102,79 triệu kg, so với 2.038,78 triệu kg năm 2017.
Tại Ấn Độ, nước sản xuất chè đen lớn nhất thế giới, sản lượng năm 2018 giảm 0,8% so với năm trước đó, chỉ đạt 1.311,63 triệu kg, khiến cho xuất khẩu của nước sản xuất chè đen lớn thứ 2 thế giới này cũng giảm 1,1%. Xuất khẩu loại orthodox bị chậm chủ yếu do sự sụt giảm xuất khẩu sang Iran bởi lệnh cấm vận của Mỹ đối với nước này khiến cho việc thanh toán tiền giữa 2 bên trở nên khó khăn. Tại thị trường Mỹ, chè Ấn Độ đang mất dần thị phần do những quy định khắt khe hơn về dư lượng thuốc trừ sâu. Trong 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu chè Ấn Độ sang Mỹ giảm 33% xuống 7,84 triệu kg (so với cùng kỳ năm trước).
Sản lượng chè Kenya trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 4% xuống mức thấp nhất kể từ 2001 do thời tiết bất lợi, hạn hán diễn ra ở nhiều nơi. Ủy ban Chè nước này ước tính sản lượng cả năm 2018 giảm khoảng 14% so với năm trước. Năm 2017, sản lượng chè nước này cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán, lũ lụt, người trồng chè ít đầu tư chăm sóc cho cây, và Chính phủ cấm sử dụng thuốc trừ sâu trong trồng chè, cũng như nguồn nhân lực lao động trong ngành bị hạn chế. Sản lượng chè Kenya năm 2018 ước đạt 480 – 490 triệu kg, so với 430 triệu kg năm trước đó, nhờ thời tiết thuận lợi.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, sản lượng chè búp năm 2018 đạt 987,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với năm 2017. Về xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018 cả nước xuất khẩu 127.338 tấn chè, thu về 217,83 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 4,4% về kim ngạch so với năm 2017. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2018 đạt 1.710,7 USD/tấn, tăng 4,9% so với năm 2017.
Pakistan tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều chè Việt Nam nhất trong năm qua, với 38.213 tấn, tương đương 81,63 triệu USD, chiếm 30% trong tổng khối lượng chè xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch, tăng 19,4% về lượng và tăng 18,8% về kim ngạch so với năm 2017. Giá chè xuất khẩu sang Pakistan giảm nhẹ 0,5%, đạt 2.136,3 USD/tấn.
Đài Loan là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ chè của Việt Nam chiếm gần 14,6% trong tổng khối lượng và chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch, đạt 18.573 tấn, tương đương 28,75 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 5,4% về kim ngạch; giá xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm 0,6%, chỉ đạt 1.548 USD/tấn.
Xuất khẩu sang thị trường Nga – thị trường lớn thứ 3 sụt giảm mạnh 20% về lượng và giảm 114,6% về kim ngạch, đạt 13.897 tấn, tương đương trên 21,21 triệu USD, chiếm 10,9% trong tổng khối lượng và chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu tăng 6,7%, đạt 1.526,2 USD/tấn. Riêng chè xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại tăng giá rất mạnh so với năm 2017, tăng 47,3%, đạt trung bình 1.943,3 USD/tấn, vì vậy lượng chè xuất khẩu tuy giảm 8,8%, đạt 10.121 tấn nhưng kim ngạch lại tăng 34,2%, đạt 19,67 triệu USD.
Các thị trường nổi bật về mức tăng mạnh kim ngạch trong năm 2018 gồm có Đức tăng 39%, đạt 1,96 triệu USD; Philippines tăng 24%, đạt 1,6 triệu USD, Saudi Arabia tăng 33,1%, đạt 5,72 triệu USD; Pakistan tăng 18,8%, đạt 81,63 triệu USD. Các thị trường sụt giảm mạnh về kim ngạch gồm có: Ấn Độ giảm 56,6%, đạt 0,91 triệu USD; U.A.E giảm 59,1%, đạt 4,21 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 48%, đạt 0,78 triệu USD.
Dự báo, sản lượng ở cả Kenya và Trung Quốc đều hồi phục mạnh trong năm 2018 sau khi bị sụt giảm trong năm 2017. Do đó sản lượng toàn cầu niên vụ 2018/19 ước tính tăng nhẹ, khoảng 4,5%, nhưng sẽ chỉ tăng 2,8% trong năm 2019/20 (thấp hơn mức tăng trung bình 4,5% giai đoạn 2006-2016), theo nhận định của EIU. Trong khi đó, có một số yếu tố có thể sẽ cản trở sản lượng tăng trong khoảng thời gian dự báo, đó là lạm phát khiến lợi nhuận từ trồng chè giảm so với thập kỷ trước, trong khi chi phí đầu vào tăng có thể khiến đầu tư giảm đi.
Các nước sản xuất chè ngày càng quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng hóa chất sẽ khiến sản lượng chè thế giới khó tăng mạnh, chẳng hạn như ở Sri Lanka. Ngoài ra, năng suất thấp do nhiều diện tích chè già cỗi cũng cản trở việc tăng sản lượng, như ở Ấn Độ.
Về nhu cầu, triển vọng nhu cầu tiêu thụ chè tại các nước sản xuất ngày càng tăng. Do đó, mặc dù sản lượng của nhiều nước cũng tăng, song lượng dư thừa dành cho xuất khẩu không có sự đột biến, thậm chí ở một số nơi sụt giảm. Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường điển hình có mức tiêu thụ tăng nhanh, có thể khiến cầu vượt cung ngày càng xa, dẫn tới giá trên thị trường nội địa tăng. Tại Mỹ cũng tương tự, phân khúc thị trường trà đá ngày càng phát triển, là một trong những lý do khiến cho xuất khẩu chè của Sri Lanka sang Mỹ năm 2018 tăng khá.
Về thị hiếu, những năm qua thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thưởng trà của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng thích uống trà truyền thống trong bữa sáng, là chè đen hoặc trà xanh ướp hương. Tuy nhiên hiện nay có 2 phân khúc đang phát triển rất mạnh, đó là trà thảo mộc và trà chế biến thủ công (theo cách truyền thống, từ bàn tay của những nghệ nhân). Sở dĩ trà thảo mộc lên ngôi là bởi đó được đánh giá là đồ uống có lợi ch sức khỏe, với những tác dụng như giảm stress, chống viêm, thải độc, tốt cho tiêu hóa….
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo trong trung hạn, tiêu thụ và sản xuất chè thế giới sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi nhu cầu tăng mạnh ở Ấn Độ và Trung Quốc. Cụ thể, tiêu thụ và sản xuất chè toàn cầu sẽ tăng trong thập kỷ tới, do thu nhập của người tiêu dùng tăng và nỗ lực đa dạng hóa các loại đồ uống.
Sản lượng chè đen toàn cầu dự báo sẽ tăng 2,2% mỗi năm trong thập kỷ tới, đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027, phản ánh sản lượng tăng nhiều ở Trung Quốc, Kenya và Sri Lanka – trong đó sản lượng chè đen của Trung Quốc sẽ tăng lên bằng của Kenya – nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới. Sản lượng chè xanh toàn cầu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm, đạt 3,6 triệu tấn vào 2027, chủ yếu bởi Trung Quốc, nơi sản xuất chè xanh sẽ tăng gấp đôi, từ 1,5 triệu tấn/năm giai đoạn 2015- 2017 lên 3,3 triệu tấn năm 2027.
FAO cũng cảnh báo rằng sản lượng chè sẽ rất nhạy cảm với những điều kiện sinh trưởng. Do không dễ thích nghi với mọi môi trường nên chè chỉ được sản xuất ở một số quốc gia, trong khi nhiều nước dự báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Những sự thay đổi về nhiệt độ, mưa, lũ lụt, hạn hán… đều ảnh hưởng tới sản lượng, chất lượng và giá chè.
Về nhu cầu chè trong thập kỷ tới, FAO dự báo sẽ có những "khách hàng mới" cho đồ uống chè. Người tiêu dùng trẻ tuổi ở thành thị tại những nước sản xuất chè lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ đang đóng góp vào phân khúc tăng trưởng nhu cầu mạnh nhất, đó là trà sữa. Những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng đang hứng thú với những thực phẩm "thời trang" phù hợp với lối sống của họ. Họ thường xuyên tới các quán trà hơn để thưởng thức các loại đồ uống từ trà. Và mọi lứa tuổi sẽ ngày càng chuộng các loại đồ uống tốt cho sức khỏe, mà nguyên liệu có thành phần là trà. Tuy nhiên, các nước phương Tây nói chung dự báo sẽ có mức tăng trưởng nhu cầu chè thấp, ví dụ tại Anh nhu cầu sẽ giảm, kể cả trà đen (vì sự cạnh tranh của các thức uống khác, trong đó có cà phê).