Toàn cảnh vùng đất đang trở thành tâm điểm thu hút hàng loạt dự án tỷ USD
Về hạ tầng, BR-VT có vị trí chiến lược cửa ngõ ra biển Đông, tiếp giáp với TP.HCM trong tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP.HCM chưa đầy 100 km thông qua tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng.
Ngoài ra, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và BR-VT một cách dễ dàng.
Hay như tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, sân bay Quốc tế Long Thành… được quy hoạch và từng bước đi vào hoạt động đã thúc đẩy xu hướng đầu tư đón đầu tiềm năng bất động sản trung tâm BR-VT.
Không chỉ vậy, BR-VT được quy hoạch để trở thành trung tâm về dầu khí, cảng biển hàng đầu của cả nước, trong đó cảng quốc tế Cái Mép là 1 trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu lớn, do vậy trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở dành cho các chuyên gia sẽ gia tăng nhanh chóng.
Định hướng đến năm 2020, BR-VT sẽ trở thành thành phố cảng, đô thị cảng lớn nhất nước cùng với Hải Phòng, trung tâm Logistics và công nghiệp hỗ trợ, trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước.
Trong tương lai, khu vực này sẽ có một sân bay lưỡng dụng hơn 4.000 tỷ đồng.
Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh BR-VT, đại diện Tập đoàn BRG cho biết, Dự án khu Lam Sơn, Bãi Trước, thành phố Vũng Tàu, được lấy ý tưởng thiết kế theo hình ảnh hoa hướng dương - biểu tượng của thành công và thịnh vượng nhằm tạo nên một điểm nhấn sống động cho du lịch tỉnh.
Theo đó, diện tích thực hiện dự án khoảng 10,88ha, với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch thành các phân khu chức năng khác nhau gồm: 6 tòa tháp cao tầng và hàng trăm biệt thự mang phong cách sống hiện đại cho khoảng 11,000 cư dân; Quảng trường 5000 m2, lớn nhất khu vực phía Nam; 4 khách sạn siêu sang...
Dự kiến dự án sẽ thực hiện từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2025. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tổ hợp khách sạn Hilton và một số hạng mục khác vào năm 2020.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đến tỉnh này để tìm hiểu đầu tư. Đơn cử như Novaland đề xuất Dự án Khu đô thị phức hợp trục đường 3/2, diện tích khoảng 99,5ha, thuộc phường 10 và 11, TP. Vũng Tàu. Tập đoàn Hồ Tràm Srtip cũng đang xây dựng kế hoạch đầu tư dự án sân bay lưỡng dụng tại huyện Đất Đỏ nhằm kết nối với khu tổ hợp nghỉ dưỡng hiện nay của mình.
Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn SunGroup cũng đã khảo sát, tìm hiểu dự án nghỉ dưỡng khu vực núi Dinh; một đại gia địa ốc phía Bắc khác cũng đang muốn tham gia đầu tư dự án Khu vườn thú hoang dã và khách sạn cao cấp hơn 5.000 tỷ đồng… Ngoài ra, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL) đã đề xuất đầu tư vào tỉnh này 5 dự án nghỉ dưỡng và khu công nghiệp cảng biển quy mô khá lớn.