Mới đây, trong chương trình "Cất cánh" tháng Tư, với tư cách bình luận viên TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) đã chia sẻ góc nhìn về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam và hướng đi cho thành công của kinh tế Việt Nam sau đại dịch.
Mở đầu phần bình luận, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, từ khi đổi mới cho đến nay chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thử thách to lớn như lúc này. Trong những ngày qua cả nước đã và đang trong trận chiến chống Covid-19 đồng thời, là trận chiến duy trì tăng trưởng.
Dịch Covid-19 đã tác động đến hơn 700.000 doanh nghiệp ở những mức độ khác nhau. Doanh nghiệp gặp khó khăn tứ bề, trước hết là đứt cung, sau đó là ngừng tăng trưởng, mất thanh khoản, không có tiền trả lương cho nhân viên...
Có thể nói Covid-19 và những tác động của Covid-19 đã đi vào giấc ngủ của mỗi doanh nhân và sáng ra là bài toán tiền đâu để trả lương và tiền đâu để trả lãi ngân hàng... Tất nhiên đây là bài toán muôn thuở của doanh nhân nhưng trong thời điểm dịch bệnh này nó trở thành phép tính vô cùng nặng nề với nhiều doanh nhân. Nhiều người đã không có khả năng chống trả, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường.
Với các doanh nghiệp còn tồn tại, họ cũng rất gian nan để tiếp tục trụ vững, duy trì tăng trưởng và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Đằng sau các doanh nhân là việc làm của hàng triệu lao động, là nguồn thu ngân sách Nhà nước, là nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội. Do đó, doanh nhân không chỉ lo cho doanh nghiệp mà còn lo cho người lao động, đất nước.
"Tôi cho rằng cuộc chiến chống Covid-19 để bảo vệ sinh mạng của người dân và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế của doanh nhân để bảo vệ sinh kế của người lao động đều rất quan trọng", ông Lộc nói.
Là người kết lại chương trình, sau khi nghe những câu chuyện của một số doanh nhân - những người được gọi là "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế chống dịch Covid-19, TS. Vũ Tiến Lộc đã có những tổng kết về cơ hội, thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam thời hậu Covid-19.
Chúng ta đang có những ngày tháng không thể nào quên về người Việt Nam, về tình yêu nước, về sự đồng thuận, về sự gắn kết, về sự vươn lên. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách kịp thời để dẫn dắt chúng ta kiềm chế thành công Covid-19. Dưới đây là toàn bộ bài phát biểu của ông"
"Hiện nay Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có thể làm được điều này và trước mắt đang mở ra cơ hội có thể nới lỏng các biện pháp cách ly, các biện pháp giãn cách xã hội để bắt đầu một giai đoạn tái khởi động nền kinh tế, phục hồi kinh tế, phục hồi sinh kế cho hàng chục triệu con người.
Chúng ta có thể đi sớm hơn, có thể tận dụng những cơ hội đang mở ra phía trước. Chúng ta cũng cảm ơn Chính phủ đã có những gói giải pháp rất kịp thời. Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, gói giải pháp đưa ra là đủ lớn, đủ bao trùm. Vấn đề quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện thật tốt các gói hỗ trợ đó để tiếp máu và tiếp sức cho doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng chúng tôi nghĩ rằng không phải gói hỗ trợ vật chất là quyết định. Gói hỗ trợ vật chất tiền bạc chỉ có tính chất hỗ trợ, gói hỗ trợ có quyết định đối với chúng ta là niềm tin, là thể chế.
Tạo được niềm tin của doanh nhân, của xã hội, của người dân, tạo được một thể chế để có thể giải phóng những ràng buộc, để phát huy sức mạnh của nhân dân thì đó chính là công thức thành công.
Công thức chúng ta đã vượt qua đại dịch sẽ là công thức để chúng ta thành công trong phục hồi kinh tế. Chúng tôi mong rằng lửa của cuộc chiến thắng đại dịch cũng sẽ là ngọn lửa để chúng ta thành công trong phát triển.
Đối với các doanh nhân, chúng ta đã rất dũng cảm, đã kiên trì trong cuộc chiến này. Đất nước này đã có những anh hùng dũng sĩ trong cuộc chiến chống đai dịch và duy trì tăng trưởng. Bây giờ là thời khắc mà chúng ta phải chung sức vượt lên. Điều rất quan trọng đối với các doanh nhân là hãy giữ vững niềm tin. Hãy đoàn kết xung quanh các hiệp hội của chúng ta, phải nắm bắt kịp thời thông tin của các biện pháp hỗ trợ của nhà nước và thay đổi về thể chế để hỗ trợ cho doanh nhân để có thể trụ vững, để có thể vượt lên.
Và chúng ta đều biết rằng thế giới của thời sau đại dịch sẽ không còn là thế giới của ngày hôm nay. Một thế giới thay đổi và để có thể thích ứng với thế giới đó thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi, phải định vị lại mình, phải tái cấu trúc chiến lược về quản trị và phát triển chăm sóc nguồn nhân lực, nguồn lao động sẽ chính là điểm mấu chốt để chúng ta có thể thành công.
Cảm ơn các anh chị trong điều kiện đại dịch đã luôn quan tâm đến người lao động, coi người lao động là tài sản lớn nhất, mục tiêu lớn nhất của chúng ta. Chính nguồn lao động sẽ là cái quyết định sức mạnh của chúng ta trong thời gian tới.
Tất cả các doanh nghiệp khác dù nhỏ dù lớn cũng phải bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Cuộc di dân vĩ đại của chúng ta trong thời gian qua lên không gian số trong điều kiện đại dịch sẽ vẫn là không gian kinh tế của chúng ta trong giai đoạn tới. Những doanh nghiệp chậm chân trong chuyển đổi số sẽ thất bại. Người Việt Nam có năng lực rất cao trong lĩnh vực này. Chúng ta có cơ sở hạ tầng khá tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngay cả so với các nước trong khu vực và thế giới. Đấy là nền tảng rất tốt để chúng ta đi nhanh trong nền kinh tế số và có thể vượt lên.
Bây giờ thế giới đang thay đổi, các chuỗi giá trị đang được định hình lại. Mấy ngày vừa rồi Mỹ và các nền kinh tế trên thế giới đã bàn chiến lược xây dựng chuỗi giá trị tin cậy trong hội nhập. Chuỗi giá trị tin cậy - chúng ta hiểu đằng sau hàm nghĩa của nó là gì? Đằng sau là cơ hội và thách thức của chúng ta.
Tôi tin rằng chúng ta đang có những cơ hội lớn của giai đoạn phục hồi kinh tế. Để tận dụng những cơ hội lớn nhất do thị trường thế giới mở ra nhưng sự mở ra của thị trường thế giới, sự mở ra của những cơ hội công nghệ vẫn chỉ là cơ hội. Cái quan trọng nhất là hành động của chúng ta.
Và muốn tận dụng được thị trường thế giới thì phải đứng vững thị trường trong nước của chúng ta. 'Mảnh đất cắm dùi' của doanh nghiệp Việt Nam không hề nhỏ, 100 triệu dân với nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao với tầng lớp trung lưu đang bùng nổ sẽ là thị trường mênh mông cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước khi nói đến chinh phục thị trường thế giới hãy chinh phục thị trường của chúng ta.
Tôi nhớ cụ Bạch Thái Bưởi ngày xưa đã nói một câu rất nổi tiếng và bây giờ tất cả chúng ta kể cả người dân và doanh nghiệp hãy luôn nhớ lấy: "Chúng ta kinh doanh trên đất Việt Nam, chúng ta có người dân của chúng ta thì tại sao chúng ta lại không thành công?" Cho nên phát động một cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam sẽ là cuộc vận động có sức công phá lớn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đã vươn tới những đỉnh cao của công nghệ và chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng thị trường khó tính nhất thế giới, tại sao không chinh phục được người Việt Nam? Chính ở đây cần có một sự đồng lòng hiệp sức chiến lược phát triển thị trường trong nước. Chỉ khi đứng vững thị trường trong nước thì chúng ta mới có thể vươn ra được thị trường thế giới và đấy là điều vô cùng quan trọng.
Tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam luôn nhận thức rõ sứ mệnh của mình là chiến sỹ trong tuyến đầu sự nghiệp xây dựng kinh tế, là những người có trách nhiệm lo sinh kế cho nhân dân, là những người quyết định sức mạnh kinh tế của đất nước này thì hãy phát huy vai trò của mình như là anh bộ đội cụ Hồ trong thời chiến.
Và chúng tôi cũng mong rằng toàn thể nhân dân Việt Nam hay cả hệ thống chính trị của chúng ta hậu thuẫn cho đội ngũ này, hãy yêu đội ngũ doanh nhân như yêu những anh bộ đội cụ Hồ trong những năm kháng chiến. Và nếu như vậy tôi tin rằng các doanh nhân Việt Nam của chúng ta nhất định sẽ thành công, đại dịch Covid-19 sẽ đi vào quá khứ và thành công của doanh nhân sẽ là mãi mãi. Và tất cả chúng ta sẽ cất cánh bay lên".