Nối dài những nghiên cứu trước đây, Oxfam vừa ra báo cáo "Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu". Báo cáo này nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo cũng như sự bóc lột của giới chủ đối với người lao động.
"Khi chúng ta không hành động, cuộc khủng hoảng bất bình đẳng tiếp tục trở nên tồi tệ hơn do lợi ích của tăng trưởng kinh tế tiếp tục tập trung vào tay một số ít người", báo cáo của Oxfam nêu rõ.
Theo đó, Oxfam dẫn ra một số thống kê. Ví dụ, lượng tỷ phú trên thế giới là 2.043 người, tốc độ cứ 2 ngày lại xuất hiện một tỷ phú. Trong 12 tháng, của cải của những người giàu, quyền lực nhất trên thế giới tăng thêm 762 tỷ USD, gấp 7 lần số tiền cần để chấm dứt nghèo đói. Hay 82% của cải toàn cầu thuộc về 1% dân số…
Sự giàu có cực độ của 1% dân số giàu có không đến từ sức lao động, theo Oxfam. Nhiều chứng minh cho thấy rằng sự bất bình đẳng giàu nghèo không được biện minh bởi tài năng, nỗ lực và sự chấp nhận rủi ro. Chúng là sản phẩm của kế thừa, độc quyền hoặc những mối quan hệ với Chính phủ.
Số liệu cho thấy 1/3 số tài sản của các tỷ phú là từ thừa kế. Trong vòng 20 năm tới, 500 người giàu nhất thế giới sẽ bàn giao lại 2,4 nghìn tỉ đô la cho những người thừa kế của họ - một con số lớn hơn cả GDP của Ấn Độ - quốc gia với 1,3 tỉ dân.
Mặt khác, Oxfam nhấn mạnh độc quyền cũng là yếu tố tạo nên lợi nhuận khổng lồ cho các ông chủ cũng như cổ đông. Và phần còn lại của thế giới phải trả giá cho việc đó.
Đơn cử sức mạnh độc quyền tạo ra khối tài sản kếch xù được minh chứng bởi khối tài sản của Carlos Slim, người đàn ông giàu thứ 6 trên thế giới. Tài sản của Carlos chủ yếu có được từ tình trạng độc quyền gần như tuyệt đối mà ông ta thiết lập được đối với dịch vụ điện thoại cố định, di động và các dịch vụ truyền thông băng thông rộng ở Mê-hi-cô.
Theo tính toán của Oxfam khoảng 2/3 tài sản của các tỉ phú là từ thừa kế, độc quyền và thân hữu. Một khảo sát khác của đơn vị này tại 10 quốc gia cho thấy hơn 50% người tham gia cho rằng cho dù có làm việc chăm chỉ đến đâu thì những người bình thường cũng rất khó hoặc không thể có nhiều hơn số tiền mà họ đang có được.
Như vậy, thành quả kinh tế đang ngày càng tập trung dành cho những người giàu nhất. Trong khi hàng triệu người lao động bình thường vẫn đang nhận được mức lương bèo bọt, lợi nhuận cho cổ đông và các giám đốc quản lý cấp cao đã đạt các mức kỷ lục mới.
Với hơn 1 ngày lao động, một CEO ở Mỹ có thể kiếm được số tiền tương đương với số tiền một người công nhân bình thường kiếm được trong cả năm. Tính trung bình, một CEO của 5 công ty may mặc hàng đầu chỉ mất hơn 4 ngày để kiếm được số tiền mà một nữ công nhân bình thường ở Băng-la-đét phải mất cả đời để kiếm được.
Một hé lộ khác được Oxfam cho biết là con số lợi nhuận trả cho những cổ đông giàu có đang ngày càng tăng, khiến cho những người công nhân ngày càng bị vắt kiệt một cách tàn nhẫn.
"Để tăng lương cho 2,5 triệu công nhân may ở Việt Nam từ mức lương trung bình lên mức lương đủ sống thì cần 2,2 tỉ đô la mỗi năm. Con số này chỉ tương đương với 1/3 ba số tiền mà 5 công ty hàng đầu trong ngành may mặc trả cho cổ đông", Oxfam cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều tỷ phú – dù gây dựng tài sản ở những thị trường cạnh tranh cũng thường tránh đóng thuế bằng cách giảm lương và điều kiện làm việc của công nhân. Điều này đẩy các quốc gia vào một "cuộc đua tự sát" đến đáy về lương, quyền lao động và mức thuế thấp.
Bà Winnie Byanyima, CEO của Oxfam nhận xét: "Sự bùng nổ về số lượng tỷ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại.
Bởi những người may bộ quần áo chúng ta đang mặc, lắp ráp điện thoại chúng ta đang sử dụng và nuôi trồng thực phẩm ta đang ăn hàng ngày bị bóc lột để đảm bảo nguồn hàng giá rẻ ổn định và tăng lợi nhuận của các tập đoàn và nhà đầu tư tỉ phú".