Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, năm 2017 dù có nhiều khó khăn về thời tiết và thị trường nhưng ngành nông nghiệp đã về đích, hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, có chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung.
Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, ngành đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, đạt 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong một năm đầy thử thách về thiên tai, thị trường đã bước đầu khẳng định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế. Trước đây, chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ...
“Tái cơ cấu sản xuất đã đạt được hiệu quả, thiết thực hơn, góp phần tăng trưởng giá trị ngành”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Năm 2017 được ghi nhận là một năm có nhiều biến động về thời tiết với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Nếu như năm 2016 tổng thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng thì năm 2017, mặc dù chưa thống kê đầy đủ tổng mức thiệt hại đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai.
Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức đó, cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành, các cấp, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc ráo riết, quyết liệt, tập trung để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường.
Năm 2017, các mô hình phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tăng cao. Đã có trên 1.400 hợp tác xã, 1.000 tổ hợp tác được thành lập, nâng tổng số hợp tác xã trong ngành lên trên 12.200 hợp tác xã, trong đó trên 30% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, cùng với xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào ngành cũng có nhiều tiến bộ thực sự. Năm 2017, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên trên 5.600 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính.