Kẻ tự xưng là nhân viên của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội có đầy đủ họ tên, số CMND của anh Nguyễn Đức Hoàng, thông báo anh nợ cước tiền điện và sẽ bị truy tố nếu không trả cước trong vòng 2h đồng hồ.
“Trưa 24/6, tôi nhận nhận cuộc gọi từ đầu số +377.xxxx.xxxx. Người này giới thiệu tên là Nguyễn Văn Toàn, nhân viên của tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội và thông báo tôi có 2 hóa đơn tiền điện chưa thanh toán trị giá 58.986.350 đồng”, Nguyễn Đức Hoàng, nhân viên văn phòng ngụ quận 8, TP.HCM chia sẻ.
Theo người tự xưng Nguyễn Văn Toàn, đồng hồ điện công nghiệp đứng tên anh Hoàng được đăng ký ngày 29/3/2021 tại số 75 phố Huế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bên cạnh đó, người này còn đưa ra thông tin cá nhân chính xác của anh Hoàng như họ và tên, CMND, ngày sinh cùng số hợp đồng đăng ký đồng hồ điện công nghiệp. Anh Hoàng xác nhận chưa từng đến Hà Nội và yêu cầu người này đưa thêm thông tin hợp đồng đăng ký điện công nghiệp.
Đối tượng sử dụng đầu số +377 để gọi điện lừa đảo anh Hoàng. |
“Người này không cung cấp thêm thông tin về hợp đồng đăng ký điện công nghiệp. Đồng thời, anh ta còn nói sẽ cắt điện vào buổi chiều, sau đó gửi đơn đến tòa án điều tra và báo ngân hàng trừ tiền tôi. Trong trường hợp tôi không đủ tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ bị truy cứu hình sự”, anh Hoàng nói.
Sau khi anh Hoàng yêu cầu làm rõ thông tin, người này thông báo sẽ nối máy với công an TP. Hà Nội để xác minh vụ việc. Tuy nhiên, anh Hoàng cho rằng không có gì để chứng minh đó là công an thật hay lừa đảo. Người này cho anh Hoàng 2 tiếng để tự xác minh với công an và tắt máy. Tuy nhiên, sau 2 tiếng, người tự xưng là nhân viên điện lực vẫn không gọi lại.
Sau khi cuộc gọi kết thúc, anh Hoàng đã kiểm tra đầu số +377 thì thấy nằm trong danh sách đầu số từ nước ngoài chuyên lừa đảo, không phải số hotline của điện lực Hà Nội.
“Tôi có gọi tên tổng đài điện lực Hà Nội thì nhân viên cho rằng đây là hành vi lừa đảo. Tôi cũng nhờ tra địa chỉ số 75 phố Huế, hợp đồng sử dụng điện có phải tôi đứng tên không. Địa chỉ đó có 30 hộ nhưng không có tên tôi. Số hợp đồng người kia đọc cho tôi cũng không khớp”, anh Hoàng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng cho rằng nhờ đọc thông tin trên báo đài nhiều nên cũng có tâm lý đề phòng những trường hợp mạo danh viện kiểm sát, tòa án, công an giao thông, ngân hàng… để đòi tiền. Tuy nhiên, anh không thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo sợ vì thông tin cá nhân của mình bị lộ ra ngoài.
Đây không phải là lần đầu tiên kẻ xấu mạo danh nhân viên điện lực, công an để lừa đảo người dùng. Trước đây nhiều người đã phản ánh có một số đầu số lạ như +240, +216, +377, +672… gọi điện để thông báo nợ cước hay liên quan đến một vụ buôn bán ma túy. Sau đó, kẻ xấu yêu cầu người dùng chuyển tiền.
Ngày 12/5, một người đàn ông tên Q. ở Hà Nội cho biết đã bị mất 2,6 tỷ đồng sau cú điện thoại mạo danh công an. Kẻ xấu thông báo đang điều tra về vụ án ma tuý liên quan đến ông Q. và yêu cầu ông chuyển tiền để xác minh. Sau khi chuyển 2,6 tỷ vào tài khoản của đối tượng, ông Q. mới biết đã bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với công dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), thời gian gần đây, các cuộc gọi lừa đảo được thực hiện vô cùng tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan công an, Tòa án… để dọa nạt, đánh vào tâm lý hay lo sợ của người dân. Nạn nhân thường được nhắm đến là người cao tuổi, nội trợ… ít giao tiếp xã hội và không nắm bắt thông tin mới. Các cơ quan chức năng, báo chí đã nhiều lần tuyên truyền về hình thức lừa đảo này, tuy nhiên vẫn có nhiều người “dính bẫy”.
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt của hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu lừa đảo số tiền từ 2 đến dưới 50 triệu đồng.
Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
(Theo Nhịp Sống Kinh Tế)