Ngày 10/7, đại diện VKSND thành phố Hà Nội cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố ông Lê Thanh Thản về tội Lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật hình sự 2015. Vụ án được khởi tố ngày 5/7. Ông Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra.
Ông Thản bị Công an Hà Nội cáo buộc liên quan sai phạm của Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes trong xây dựng dự án nhà ở CT6 ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội).
Vụ án được khởi tố ngày 5/7. Ông Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra. "Bước đầu, nhà chức trách mới khởi tố như vậy, cơ quan điều tra đang xem xét điều tra nhiều dự án khác của Tập đoàn Mường Thanh tại Hà Nội", lãnh đạo VKSND Hà Nội trả lời trên Vnexpress.
Ngày 9/7 Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội, dưới sự giám sát của VKSND thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành khám xét và thu giữ nhiều tài liệu tại Trụ sở Công ty này tại bán đảo Linh Đàm, Hà Nội. Ngoài ra, nơi làm việc của ông Thản tại thành phố Điện Biên cũng bị khám xét và thu giữ một số tài liệu.
Được biết, "Tội lừa dối khách hàng" là tội phạm đã được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 và Điều 162 BLHS 1999 và hiện nay là Điều 198 BLHS 2015. Tội này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác.
Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, những vẫn thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.
Theo quy định tại điều 198 BLHS năm 2015, người phạm tội lừa dối khách hàng có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất 5 năm tù. Tuy nhiên, để kết tội này, cơ quan tố tụng cần phải thu thập các chứng cứ để chứng minh bị can đã có hành vi gian dối đối với những người mua căn hộ về chất lượng, tình trạng pháp lý... để chiếm đoạt, hưởng lợi số tiền từ 5 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ những khách hàng nào đã bị lừa dối, số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu, thu lợi bất chính là bao nhiêu... Nếu số tiền thu lời bất chính từ 50 triệu trở lên thì hình phạt có thể ở mức cao nhất là 5 năm tù; ngoài ra có thể phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề đến 5 năm.
Trả lời trên Pháp Luật TPHCM, Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết hành vi lừa dối khách hàng là tội phạm được quy định tại điều 170 BLHS năm 1985, điều 162 BLHS năm 1999 và nay là điều 198 BLHS năm 2015. “Đây là loại tội phạm được đánh giá là ít nghiêm trọng, ít bị xử lý dù diễn ra khá phổ biến. Ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng là loại tội xưa nay hiếm bị xử lý”, Luật sư Tú nói.