Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg, yêu cầu Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí điện tử không dừng (dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 và giai đoạn 2) đảm bảo tiến độ.
Chỉ thị nêu rõ, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, có phương án đầu tư hệ thống thu phí bảo đảm liên thông đồng bộ, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư xây dựng đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Thủ tướng cũng yêu cầu quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng. Đơn vị đăng kiểm xe gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (thẻ đầu cuối) khi kiểm định phương tiện ô tô; chia sẻ dữ liệu phương tiện.
Yêu cầu này đã từng được đặt ra từ năm 2019 nhưng nhiều lần phải "gia hạn". Hồi tháng 6, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đang trình Thủ tướng xem xét, điều chỉnh tiến độ chung việc thực hiện thu phí không dừng đến đầu năm 2021. Đến ngày 17/6, Thủ tướng ra quyết định, các trạm thu phí đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống điện tử không dừng, chậm nhất đến 31/12/2020 phải chuyển sang hình thức thu phí mới.
Các cơ quan liên quan khác như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... cũng phải tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, có phương án đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng có tính liên thông đồng bộ, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư... đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên liên quan.
Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC là giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí truyền thống, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Trong đó, đặc biệt là bảo đảm sự minh bạch, giảm tắc nghẽn giao thông.
Thời gian qua, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí ETC. Tuy nhiên, theo đánh giá tại một số dự án đã triển khai, số phương tiện sử dụng ETC còn ít.
Đề cập việc các doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện không mặn mà, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người bán dịch vụ và người mua dịch vụ.
"Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần và mong muốn gì. Vấn đề này trong thời gian qua dường như chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu hai phương thức là trả trước và trả sau để người dân lựa chọn", ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Chủ phương tiện không mặn mà, trong khi tiến độ triển khai dự án thu phí ETC hiện cũng đang gặp nhiều vướng mắc.
Thông tin từ VETC cho biết các trạm còn lại chưa ký kết một phần nguyên nhân là do nhà đầu tư BOT đã đồng ý về mức trích lập doanh thu, nhưng lại phải chờ ý kiến của ngân hàng tài trợ vốn, hoặc nhà đầu tư BOT chưa đồng ý mức trích doanh thu, một số trạm thu phí thì đang tạm dừng thu phí như trạm Tào Xuyên, Cai Lậy (Tiền Giang), Tân Đệ (Thái Bình). Theo đại diện VETC, doanh thu các dự án BOT bị giảm so với phương án tài chính cũng khiến việc ký kết hợp đồng dịch vụ với VETC chưa đi đến hồi kết.
Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) do Công ty VETC đầu tư với 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án giai đoạn 2 (BOO2) do liên danh Viettel đứng đầu gồm 33 trạm còn lại trên toàn quốc.
Dự án thu phí không dừng triển khai từ năm 2015, Chính phủ yêu cầu hoàn thành, triển khai trên cả nước vào cuối năm 2019. Tuy nhiên sau đó dự án đã không thể hoàn thành đúng hạn và được gia hạn đến hết 2020. Bộ trưởng GTVT, Thứ trưởng và các ban ngành thuộc Bộ GTVT đã nhận trách nhiệm, "nghiêm khắc phê bình" do dự án thu phí không dừng chậm tiến độ.