Ngày 26-11 Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam, Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam, Trường Đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức tọa đàm Khi nào người trẻ khởi nghiệp.
DN đã mua sản phẩm do sinh viên làm
Ông Nguyễn Hoài Thi, Tổng giám đốc Việt An Group- chuyên về quan trắc môi trường tự động kể ông khởi nghiệp với 200 triệu đồng, từ sự góp vốn của người đồng hành theo tỷ lệ 7/3. Trong 8 năm, đến nay doanh thu của Việt An hơn 300 tỷ đồng/năm và chưa từng đi vay, chưa từng nợ lương...
Do đó, vốn để khởi không phải là vấn đề lớn, ý tưởng chiếm một phần nhỏ. Bản chất của khởi nghiệp là sự góp sức của ít nhất một đến hai người. Các bạn đừng làm gì một mình và hãy kêu gọi người thân trước tiên, đừng chuẩn bị thật hoành tráng rồi đi gõ cửa nhà đầu tư mất thời gian.
Trả lời câu hỏi về việc có đầu tư đề án hay không? Theo ông Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc công ty Gia Bảo- chuyên xuất khẩu hạt điều Bình Phước DN chưa biết đề án là gì nên cũng khó trả lời. Nhưng khi làm việc với các trường đại học, nhất là trong ngành thực phẩm DN sẵn sàng hỗ trợ. Vì thực tế đã có sinh viên của các trường đại học đã đóng góp vào sự ra đời sản phẩm mới của DN.
Chẳng hạn, tại trường ĐH Bách Khoa công ty đang mua lại những mẫu của sinh viên làm đề tài về chế biến sâu trong thực phẩm, đặc biệt như maca, hạnh nhân tẩm mật ong, tỏi ớt…bán ra thị trường.
Do đó, các bạn cứ nộp đề án hay cần mẫu làm thì liên hệ DN. Và nên hình thành nhóm vài người, phải xác định gặp DN làm gì, DN sẽ hỗ trợ tối đa để làm ra những sản phẩm mới, vừa có lợi cho sinh viên lẫn DN. Sinh viên cứ mạnh dạn dấn thân cứ thử đi” ông Sơn khuyến khích.
Vậy làm thế nào sinh viên nắm bắt cơ hội khi ngồi trên ghế nhà trường? Ông Sơn kể cách đây 12 năm, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị trường ĐH kinh tế TP.HCM, làm suốt sáu tháng trong ngành dầu khí lương tương đối tốt. Nhưng cảm thấy thật sự chưa “đã”, kiểu không được sống với chính con người mình nên đã nghỉ việc.
Thời điểm đó, mình có người chị đi thu mua hạt điều khô, thấy hay quá vì hạt điều là sản phẩm cốt lõi của Bình Phước. Từ thời sinh viên mình đã biết hạt điều Bình Phước chỉ xuất khẩu thô, không ai chế biến thành phẩm, đóng gói, trình bày đẹp mắt…như cà phê Buôn Mê Thuột.
Trong khi đó, làm hạt điều vốn lớn hơn cà phê rất nhiều, dù khó khăn nhưng bài toán về vốn cũng đã được giải quyết. Đến nay, DN mình phát triển tương đối tốt trong ngành hạt điều ở Bình Phước. Vì là DN tiên phong trong đóng gói sản phẩm điều Bình Phước, chữ “đặc sản” là DN mình gầy dựng đầu tiên tại Bình Phước. Đặc biệt, là DN đóng gói thương hiệu của mình đi ra thị trường quốc tế.
Sinh viên đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm
Khởi nghiệp không phải đi bán cà phê dạo
Ông Khởi cho biết, mô hình các trường đại học là vườn ươm thì hiện nay ngành giáo dục kết hợp với khởi nghiệp ở các quốc gia trên thế giới làm rất tốt, còn Việt Nam vẫn chưa chú trọng đúng nghĩa. Đó là sự liên kết giữa nhà trường và DN để tạo cho sinh viên có cơ hội khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Thực tế ở Việt Nam, sự tự tin về năng lực kinh doanh thường tỷ lệ thuận với độ tuổi. Tỷ lệ thanh niên (18- 34 tuổi) nhận thức có khả năng kinh doanh ở Việt Nam là 55% trong khi tỷ lệ này ở trung niên (35- 64 tuổi) là 68,6%.
Đặc biệt, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, là nhóm nhanh nhạy, nhìn nhận cơ hội kinh doanh tốt hơn với tỷ lệ 58,7%. Trong khi tỷ lệ này ở nhóm lứa tuổi trung niên là 54,9%. Tỷ lệ thanh niên nhận thấy lo sợ thất bại trong kinh doanh là 43,8% thấp hơn mức 47,4% của những người trung niên.
“Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, tinh thần làm chủ, tinh thần khởi nghiệp hầu hết được khởi nguồn từ những con người lăn lộn ngoài thực tiễn…Để khởi nghiệp thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, quan trọng nhất người khởi nghiệp cần được đào tạo kiến thức nhất định”, ông Khởi nhấn mạnh.
Khi nào người trẻ nên khởi nghiệp? Ông Nguyễn Hoài Thi, Tổng giám đốc Việt An Group nhìn nhận điều này không hề dễ, không phải ai khởi nghiệp cũng thành công…nhưng phải chuẩn bị. Sinh viên không nên vội chạy theo phong trào, không nên thấy người ta bán cà phê dạo mình cũng đi bán theo.
“Theo tôi các bạn sinh viên nên kiên trì nộp hồ sơ vào công ty phù hợp với ngành nghề mình đã học, để xem cá nhân mình có thật sự đam mê và giỏi nhất món đó trong công ty đó hay không”, ông Thi nói.
Ông Thi dẫn chứng, mình là dân đam mê lập trình, khi ra trường vác đơn xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận. Sau đó cầm nguyên cuốn luận văn đi nộp (với 9,5 điểm) có một DN nhận.
Trong quá trình làm, mình phát hiện người sếp ngồi nhẩm nhẩm một tiếng đồng hồ là viết được code, còn mình mất bảy ngày. May mắn, hồi đó lương công ty thấp (1,8 triệu đồng) nên đã xin qua làm kinh doanh ở công ty khác.
Từ dân kỹ thuật qua làm kinh doanh nên phát huy tối đa năng lực của mình…Vào công ty thứ hai mình được giao công việc không ai muốn làm. Giờ đây ngành đó giờ trở thành “thương hiệu” của công ty mình. Cụ thể, sau vụ cá chết ở Fomosa, công ty tôi trúng thầu sáu container kiểm soát nước thải sau xử lí…
“Tôi muốn nhắn nhủ các bạn sinh viên nên dành hai năm đầu sau khi ra trường, làm nhiều nghề rồi chốt lại mình có thể giỏi nhất, nhì nghề nào. Hãy đi theo con đường đó một cách đủ lâu sẽ thành công”, ông Thi chia sẻ.
DN Trung Quốc qua Việt Nam mở xưởng ngay cạnh DN mình
Theo ông Sơn thách thức hơn khi bán được hàng cho Trung Quốc thời gian quá dài mà lợi nhuận co lại. Mặt khác, có DN Trung Quốc qua đến Việt Nam, mở xưởng ngay cạnh công ty mình nên cạnh tranh rất lớn.
Còn hiện nay xuất khẩu hạt điều đang giảm 50% doanh số do đang xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Phía Trung Quốc họ nói thật 99% nông sản thực phẩm của Việt Nam bán cho Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không chỉ dùng cho nội địa mà còn xuất khẩu.