"Tôi không sợ chết": Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19

21/04/2020 17:09
"Tôi không sợ chết. Đôi khi chết còn hơn là sống tàn phế, lay lắt, không còn nhận biết, không còn nói năng gì nữa", một cụ hưu trí tại Đức tâm sự.

01. "Tôi có thể tự bảo vệ mình trước đại dịch này nếu tuân thủ đúng các chỉ dẫn"

Bà Ingeborg Kewitz, 90 tuổi

Tôi không sợ chết: Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Ingeborg Kewitz sống trong một ngôi làng với 150 nhân khẩu ở huyện Sigmaringen, Baden-Württemberg. Nhà bà ở bìa làng, sau nhà là rừng. Con gái bà cùng gia đình ở đối diện. Ảnh: Petra Peschke

"Tôi ra sao ấy à, giống như những người ở tuổi 90 nay thế này, mai thế khác, hôm nay ổn, mai lại có thể tệ. Tôi vẫn lái ô tô và mỗi khi làm điều đó, tôi cảm thấy mình tự do.

Nhưng bây giờ tôi không được đi siêu thị mua sắm, không được nhìn ngắm các kệ hàng. Tôi nhớ điều đó lắm. Có những thứ, con gái tôi không thể mua theo đúng ý tôi. Ví dụ, tôi có thói quen đọc vài trang sách mỗi tối, nhưng tôi giải thích mãi mà con gái tôi vẫn không hiểu tôi muốn có cuốn sách nào.

Vì thế gần đây tôi đã đi ô tô ra siêu thị. Tôi đi lúc trưa, khi đó vắng người. Được đi ra ngoài, thật là vui. Tôi đã tự thưởng bản thân bằng một ít dâu tây tươi. Tôi tìm thấy một cuốn sách dày cộp, đó là một cuốn truyện trinh thám của tác giả người Anh, tôi đã đọc đến cuốn thứ hai của tác giả này. Tôi cũng chú ý đến việc thanh toán bằng thẻ. Tôi giữ khoảng cách, tôi khử trùng tay cầm xe đẩy hàng và chìa khóa xe ô tô của tôi trước khi tôi chạm vào chúng.

Vì tôi ở trong làng nên nguy cơ lây nhiễm không cao, ít ra thì tôi chưa thấy ai bị lây nhiễm ở vùng này cả. Tuy vậy mọi người đều tránh mặt nhau, điều đó làm tôi thấy nhói lòng. Tôi hầu như chẳng gặp ai, cũng không có ai để chào hỏi, bắt tay như trước. Tôi nói chuyện trên điện thoại nhiều hơn, nhưng lại thiếu mối quan hệ với hàng xóm, với bạn bè.

Hôm 31/3 vừa qua lẽ ra là tiệc sinh nhật lần thứ 90 của tôi. Chúng tôi đã định tổ chức một bữa tiệc lớn với 50 vị khách từ Stuttgart, từ nước Anh, Bremen, Mainz. Nhưng chẳng làm được gì cả, thật là buồn. Mọi khách mời đều gửi cho tôi một tấm ảnh của mình, tôi đã treo chúng lên cái đèn ngủ của tôi. Tiệc sinh nhật sẽ được tổ chức bù sau vậy.

Tôi đang viết lại trên máy tính về những gì mình đã từng trải trong 90 năm qua, tôi gõ được tới trang thứ 140 rồi. Khi Hitler thành lập 'đế chế nghìn năm' của y, tôi mới lên 3 tuổi; và khi tôi 15 tuổi thì mọi việc kết thúc. Sau đó chúng tôi đã phải đối mặt với nạn đói kinh khủng, tất cả chúng tôi trở thành tội phạm và tìm mọi cách lừa gạt lẫn nhau – miễn là làm sao kiếm được cái gì đó để ăn.

So với mưa bom bão đạn hồi đó thì virus không khiến tôi sợ hãi bằng. Tôi có thể tự bảo vệ mình trước đại dịch này, nếu tôi tuân thủ đúng các chỉ dẫn. Tôi tin chắc rằng không lâu nữa sẽ có một trong số các nhà nghiên cứu về vaccine hay thuốc điều trị nào đó sẽ nhảy cẫng và hét lên: 'Tôi tìm được rồi!' Chắc chắn tôi sẽ được chứng kiến chuyện đó. Tôi mới 90 thôi, đâu đã già!"

02. "Tôi sẽ không nói rằng mình cô đơn"

Ông Ernst Kopf, 76 tuổi

Tôi không sợ chết: Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ernst Kopf, 76, trước khi nghỉ hưu là nhà thiết kế đồ hoạ. Ông sống cùng với mẹ vợ 94 tuổi của mình trong cùng một ngôi nhà ở xã Seevetal vùng Hạ Sacxen. Ảnh: Heike Klovert/ DER SPIEGEL

"Tôi đi mua đồ cho mình và mẹ vợ mỗi tuần một lần. Tôi phải lựa thời gian để tránh lúc siêu thị quá đông người, tốt nhất là đi vào buổi trưa hoặc chiều tối. Tôi cảm thấy dễ chịu khi có dịp hòa mình với mọi người, cho dù mọi người phải giữ khoảng cách với nhau.

Tôi có thể hiểu, nhiều khi mẹ vợ tôi muốn đi cùng. Trước đây bà cũng có một cửa hàng bán thực phẩm. Bà có thói quen thích so sánh, cái gì hồi xưa có, cái gì bây giờ mới có và so sánh giá cả nữa. Đối với bà, đi mua sắm cũng là một cách để tiêu khiển.

Nếu tôi giảng giải cho bà, ở tuổi bà mà bị lây nhiễm thì hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng, bà sẽ đáp: 'Mẹ cũng có sống được bao lâu nữa đâu.' Nhưng bà cũng có thể gây nguy hiểm cả cho tôi. Gần đây tôi cũng có lúc mất kiên nhẫn và đã nói với bà rằng tôi sẽ giữ chìa khóa nhà, mỗi khi ra khỏi nhà tôi sẽ khóa cửa lại.

Cuối cùng khi tôi nói đến việc bệnh nhân COVID-19 sẽ phải qua đời trong phòng chăm sóc đặc biệt mà xung quanh không có người thân thích, mẹ vợ tôi đã bị thuyết phục. Khi ấy bà mở to mắt nhìn tôi và không nói một câu nào nữa. Sau này tôi cảm thấy ân hận vì đã quá thô lỗ với bà. Nhưng cả hai chúng tôi vẫn cần phải học cách ứng phó với đại dịch này.

Tôi biết điều này cũng như vậy với tôi: nếu tôi bị nhiễm bệnh, thì có lẽ cũng chẳng có ai trong gia đình có thể ở bên tôi. Tuy nhiên tôi cố quên đi ý nghĩ này. Vợ tôi đã mất cách đây hai năm. Sau đó tôi rất vất vả và bận rộn để kiểm soát được cuộc sống của mình. Nhưng sự đau buồn vẫn chưa nguôi. Lúc này đây tôi có cảm giác rất rõ về điều đó. Có thể điều đó làm giảm nỗi lo âu của tôi về virus corona.

Tuy vậy, tôi sẽ không nói rằng mình cô đơn. Tôi nói chuyện điện thoại rất nhiều. Nhưng tôi thấy buồn nếu như một hoặc hai tuần không được gặp con, cháu. Hôm Chủ nhật con trai tôi đã đưa các cháu về nhà, nhưng chúng tôi phải ngồi cách xa nhau khoảng mươi mét ngoài vườn. Sau đó chúng tôi chơi đá bóng. Tôi sút bóng vào cầu môn, cháu tôi bắt bóng. Bố con nó đi nghỉ đông trượt tuyết, sau đó tình nguyện cách ly 14 ngày. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tuần liền chúng tôi mới có thể gặp nhau trực tiếp.

Mỗi khi tôi cảm thấy ủ dột, tôi liền nghĩ, có thể bằng một cách nào đó cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường. Có thể sau cuộc khủng hoảng tình hình sẽ khá hơn và con người sẽ có ý thức hơn so với trước đây. Ví dụ, có thể chúng ta sẽ thể hiện lòng biết ơn của mình với những người chăm sóc chúng ta và những người làm trong các ngành nghề xã hội khác bằng cách trả lương cho họ tốt hơn. Làm được như vậy sẽ có ích cho cả xã hội."

03. "Thật tình, tôi không thấy sợ cho lắm"

Bà Hannelore Weber, 83 tuổi

Tôi không sợ chết: Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Bà Hannelore Weber, 83 tuổi, là nha sĩ và sinh sống ở Berlin. Cho đến nay bà làm việc tại một phòng khám răng hàm mặt. Vì khủng hoảng corona bà đã xin nghỉ phép năm và hy vọng sẽ tiếp tục được làm công việc này khi nguy cơ lây nhiễm qua đi. Ảnh: Renke Klaproth

"Tôi có một căn hộ khá rộng rãi, tôi bài trí chỗ ở của mình rất đẹp. Giờ thì tôi chăm sóc chú cún của mình, dậy trực tuyến về bồi dưỡng nghiệp vụ và đọc tài liệu chuyên môn về chỉnh hàm khi không làm việc.

Cái tôi thiếu lúc này là sự tự do vận động. Đương nhiên là tôi có xe ô tô để ở garage ngầm, với cái xe đó tôi có thể đi tới Wannsee hay lâu đài công viên Glienicke. Nhưng tôi không thể đi dạo ở bên ngoài.

Ba đứa con đã trưởng thành của tôi rất quan tâm chăm sóc tôi, chúng rất tốt. Con trai và con dâu tôi cách đây hai ngày tới thăm tôi, chúng đều đeo khẩu trang. Con gái tôi tặng tôi một máy tính bảng, giờ tôi nghiên cứu cách sử dụng cái máy tính bảng này. Tôi muốn xem các đoạn video về những con ngựa đua nổi tiếng.

Tôi cảm thấy mình giống như đang sống trong một cuộc chiến tranh không có bom đạn. Chúng ta tiếp tục sống trong đầy đủ tiện nghi, nhưng mọi sự đã khác trước. So với những điều mà tôi từng trải qua thời thơ ấu thì bây giờ chẳng có gì nghiêm trọng cả. Bố tôi đã bốn lần phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Tuy vậy, tôi rất lo cho nền kinh tế và lo lắng về công ăn việc làm của mọi người. Biết bao người sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp, biết bao doanh nghiệp sẽ bị phá sản?

Thật tình tôi không thấy sợ lắm, nếu tôi có mệnh hệ gì. Tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách để tránh bị lây nhiễm. Nhưng đằng nào rồi tôi cũng phải chết, nếu bị nhiễm virus thì chẳng qua tôi sẽ chết sớm hơn một chút. Mọi người hãy tưởng tượng xem, bạn bè tôi sẽ nói gì, nếu tôi bị chết vì Covid-19 : 'Bà ấy bao tuổi rồi ấy nhỉ? 83? Cũng đến số rồi.'

Vả lại, chỉ ít ngày nữa thì đại dịch cũng sẽ qua đi, điều ấy đâu có tệ. Một người quen của tôi đã qua đời cách đây mười năm, điều đó mới là kinh khủng."

Tôi không sợ chết: Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: NYTimes

04. "Chiến tranh đã qua đi, và đại dịch này cũng sẽ chấm dứt"

Ông Rudolf Nickol, 97 tuổi

Tôi không sợ chết: Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Rudolf Nickol, 97 tuổi, vốn là kế toán viên và hiện đang sống ở trại dưỡng lão ở Dresden. Ông có một người con gái.. Vanessa Schubert/ ASB Dresden & Kamenz gGmbH

"Bây giờ mọi người ăn ngay trong phòng của mình. Nhân viên chăm sóc mang đồ ăn vào tận phòng rồi lại đến mang bát đĩa bẩn đi. Tôi có thể chuyện trò rất vui với một cậu điều dưỡng, tôi thích nhất khi nói về thành phố Dresden và về quá khứ. Mặc dù lúc này rất bận rộn nhưng các điều dưỡng vẫn sẵn sàng tiếp chuyện với tôi.

Con gái tôi ở cách đây không xa, vậy mà đã 14 ngày rồi tôi không được gặp con gái mình. Lúc này chúng tôi không thể thay đổi được điều đó. Con gái tôi vẫn đến nhận quần áo bẩn rồi mang trả lại đồ sạch, mỗi tối hai bố con tôi vẫn cùng trò chuyện với nhau qua điện thoại.

Tôi có thể chịu đựng được, tôi không cảm thấy cô đơn. Bà nhà tôi mất hơn mười năm rồi, tôi sống một mình đã lâu. Tôi đọc báo và chơi đố chữ, coi như tôi cũng bận rộn cả ngày.

Tôi tự nhủ đằng nào mình cũng không sống được bao lâu nữa. Tôi không sợ chết. Đôi khi chết còn hơn là sống tàn phế, lay lắt, không còn nhận biết, không còn nói năng gì nữa. Tôi đã có một cuộc đời tốt đẹp. Chúng tôi luôn hài lòng với những cái mình có. Điều này đến giờ vẫn vậy.

Con gái tôi cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên tôi không sợ con tôi bị lây nhiễm. Nếu muốn thì ai cũng có thể bảo vệ được mình. Không việc gì phải đến chỗ đông người. Khi mọi chuyện đã ổn trở lại thì tha hồ muốn đi đâu thì đi. Nếu chẳng may vẫn nhiễm bệnh thì đành chịu thôi.

Một số người so sánh đại dịch COVID-19 với chiến tranh. Khi đó tôi ngẫm nghĩ, trời đất, mấy người không biết chiến tranh thực sự là như thế nào đâu. Nhưng giờ đây lại có những người thiệt mạng trong khi họ không đáng bị như vậy. Chiến tranh rồi sẽ qua đi. Đại dịch này rồi cũng sẽ biến mất."

05. "Tôi nhớ những buổi tập đồng ca hàng tuần"

Ông Werner Hansen, 69 tuổi

Tôi không sợ chết: Người cao tuổi ở Đức nói về cuộc chiến không bom đạn của nhân loại và đại dịch COVID-19 - Ảnh 6.

Ông Werner Hansen, 69, trước đây kinh doanh mặt hàng gỗ nội thất và kiếm khá bộn tiền, cho đến khi ông tính toán đầu tư sai lầm. Giờ ông sống trong một căn hộ một phòng ở Hamburg. Tiền lương hưu của ông được Sở Xã hội hỗ trợ. Mấy năm gần đây ông hoạt động tình nguyện trong Hiệp hội xã hội Đức và Hội người cao tuổi. Susanne Rahlf/ SoVD

"Trước cuộc khủng hoảng, tôi luôn bận rộn với các cuộc họp hành và các cuộc hẹn. Giờ tôi được trở lại với cuộc sống yên tĩnh, thư giãn, tôi dọn dẹp dữ liệu trong máy tính của mình và làm những việc đại loại như vậy. Tôi cũng viết nhiều email và liên hệ với mọi người qua điện thoại.

Cho đến giờ tôi không cảm thấy thiếu các mối quan hệ cá nhân với những người khác, nhưng chắc chắn tôi sẽ có cảm giác này.

Tôi cảm thấy nhớ các buổi tập đồng ca hàng tuần. Chúng tôi sinh hoạt trong một dàn đồng ca của hội người cao niên, và ông trưởng nhóm ghi âm các bài hát gửi cho các thành viên để luyện tập ở nhà. Đôi khi tôi cùng vợ tôi cũng tập hát nếu cao hứng

Vì cách ly xã hội, tôi đã bị tăng cân vì cái tính hay ăn vặt. Tôi thích thể thao, cưỡi ngựa và kẹo nougat. Tôi bỏ thuốc lá 17 năm rồi, nhưng khi tôi ngồi bên máy tính hay xem tivi tôi cần có cái gì đó để bỏ vào miệng.

Bản thân tôi không sợ virus corona. Trước đây tôi đã nhận thức được rằng tôi đã đi qua 2/3 cuộc đời. Phần bánh ga tô còn lại ngày càng nhỏ hơn. Nhưng điều đó chính ra lại trở thành nguồn động viên khích lệ tôi phải cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng này và động viên những người khác, những người còn căng thẳng hơn tôi.

Vả lại, tôi đã tận hưởng cuộc sống của mình. Trước đây tôi luôn có những tham vọng rất lớn, luôn muốn vươn tới những mục đích cao xa hơn cho đến khi tôi bị gục ngã. Tôi nghĩ mình có thể bán cửa hàng kinh doanh đồ gỗ và hai nhà kho để đầu tư ở Trung Quốc. Nhưng cú làm ăn này bị đổ bể và tôi rơi vào thảm cảnh tài chính.

Giờ tôi sống trong một căn hộ nhỏ, cùng một căn bếp và buồng tắm khiêm tốn, và nhận được một khoản lương hưu cơ bản ít ỏi. Tôi nghĩ khoản này sẽ chẳng thể bị cắt giảm hơn nữa. Nó thấp đến mức tôi phải cố gắng sống tiết kiệm mới đủ.

Tuy vậy, tôi thấy hạnh phúc hơn so với trước đây. Nhu cầu của tôi nhỏ hơn. Tôi không cần phải đi tới Sri Lanka hay Thái lan nữa. Tôi chỉ bực một nỗi là chưa có dịp tới Nam Bán cầu."

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
58 phút trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
18 phút trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
17 phút trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
5 phút trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
52 phút trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
4 giờ trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
7 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.
Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
21 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
2 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.