Campuchia là quốc gia châu Á mới nhất vừa trả lại 1.600 tấn rác thải về Mỹ và Canada, theo CNN.
Tổng cộng 83 container rác thải nhựa đã được chuyển đến bến cảng ở phía tây nam của tỉnh Sihanoukville, Campuchia vào tối hôm thứ Ba (16/7), Camasaid Neth Pheaktra, Bộ trưởng Ngoại giao nước này cho biết.
Các container này chỉ được dán nhãn "sản phẩm tái chế" mà không có nhãn ghi rác thải nhựa, ông Pheaktra cho biết.
Cơ quan hải quan của Campuchia đang tiến hành điều tra xem số container này đã được chuyển đến nước này như thế nào và công ty hay tổ chức nào đứng sau việc nhập khẩu. Nếu bị phát hiện, họ có thể bị phạt và đưa ra toà, ông Pheaktra cho biết. Trong khi đó, chính phủ liên bang Mỹ sẽ bắt đầu quy trình mang lại số rác thải nhựa này về Mỹ và Canada.
"Campuchia không phải là bãi rác để các nước khác xả các loại phế liệu. Chính phủ Campuchia phản đối việc nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế trong nước", ông Pheaktra khẳng định.
Đây là vụ việc mới nhất trong cơn khủng hoảng rác thải toàn cầu, trong đó các loại rác thải nhựa, phế liệu điện tử… chủ yếu từ các nước phương Tây được chuyển tới khu vực Đông Nam Á.
Năm ngoái, Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa, gây gián đoạn dòng chảy hơn 7 triệu tấn rác thải nhựa trên thế giới mỗi năm. Các bên trung gian bắt đầu tìm kiếm địa điểm mới để xuất khẩu rác, ví dụ như Malaysia hay Philippines.
Việc này cũng tạo ra cả một ngành công nghiệp gồm những cơ sở tái chế rác nhựa trái phép. Đầu năm nay, Malaysia phát hiện ít nhất 148 nhà máy tái chế không được chấp phép gây ô nhiễm môi trường với khói độc và chất thải gây hại nguồn nước.
Phản ứng lại tình trạng này, các chính phủ đang cố gắng ngăn chặn dòng vận chuyển rác. Đầu năm nay, Philippines và Canada rơi vào căng thẳng ngoại giao liên quan tới vấn đề rác nhập khẩu. Mọi chuyện đi xa tới mức Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã triệu hồi đại sứ của nước này ở Canada về nước, trước khi Canada đồng ý nhận lại 2.450 tấn rác hồi tháng 5. Cũng trong tháng 5, Malaysia trả lại 3.000 tấn rác nhựa về các nước bao gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật và Hà Lan.
Bên cạnh việc trả lại rác thải của nhau, các nước cũng bắt tay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác nhựa. Hồi tháng 5, chính phủ của 187 quốc gia đã thống nhất kiểm soát dòng rác thải nhựa trong biên giới nước mình bằng việc thêm rác nhựa vào Công ước Basel 1989 về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm.
Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, đây là động thái "đáng hoan nghênh nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng và là một biện pháp có trách nhiệm đối với hệ thống quản lý rác thải nhựa toàn cầu".