Rồi mọi thứ cũng ra đi, chiến thắng ư? Đánh bại thị trường ư? Tài giỏi ư? Tương lai giàu có ư? Cả sự ngạo mạn cũng ra đi.
Tôi đã mất 75% tiền từ TTCK đó.
Bạn thì sao?
Cảm giác lúc này của bạn là như thế nào vậy?
Sai lầm?
Ngu ngốc?
Kém cỏi?
Thất bại?
Đau đớn?
Lơ lửng không hướng đi?
Tuyệt vọng, muốn bỏ cuộc?
Hay hy vọng vào một tương lai tươi sáng?
Bên trên là tất cả cảm giác của tôi lúc này đây.
Đôi lúc tôi tự hỏi.
Liệu TTCK có cần những nhà đầu tư nhỏ như chúng ta? Và chúng ta có cơ hội chiến thắng nào không?
Câu trả lời là "CÓ…" và quan trọng nữa là đằng khác.
Nhà đầu tư nhỏ giống như các loài bậc thấp trong chuỗi thức ăn, luôn bị tiêu diệt đầu tiên và giúp cho những loài bậc cao sống sót, giúp cân bằng hệ sinh thái. Để tồn tại, loài bậc thấp phải sinh sản nhiều hơn, như cách mà tầng tầng lớp lớp các nhà đầu tư nhỏ sinh ra liên tục từ mọi ngành nghề trong nhiều năm qua.
TTCK còn đó, nhà tạo lập còn đó, chỉ có 95% nhà đầu tư thua lỗ ra đi và 5% thắng lợi ở lại.
Để thật sự nằm trong 5% kẻ chiến thắng, bạn phải học các sinh tồn, nhận biết và tránh xa các cạm bẫy.
Huyền thoại SOROS từng nói "Nếu phải tóm tắt các kỹ năng của mình, tôi sẽ tóm gọn trong một từ: sinh tồn (survival). Và điều hành một quỹ đầu cơ đã tạo cơ hội để tôi vận dụng tối đa kỹ năng này."
Liệu dưới đây có phải là cạm bẫy đối với bạn? Nó đã giăng bẫy được tôi đấy.
CẠM BẨY 1: Người môi giới chuyên nghiệp?
Nếu bạn muốn kiếm tiền bền vững và sống sót được trên TTCK, hãy học các tự phân tích tất cả, chỉ xem người môi giới như là thông tin tham khảo thôi, đừng tin họ quá nhiều. Hãy tìm kiếm các công ty có phí giao dịch rẻ nhất có thể, đừng tin vào lời hứa chúng tôi lấy phí cao và giúp khách hàng mang lại lợi nhuận cao.
Dưới cái lớp vỏ công ty đồ sộ, trang phục bóng bẩy chuyên nghiệp và cả đống bằng cấp kèm với những lời lẽ chắc chắn giúp kiếm tiền và giàu sụ, đó chính là một sự mâu thuẫn lợi ích kinh khủng.
Người môi giới sẽ không thích các nhà đầu tư mua cổ phiếu và nắm giữ nhiều hơn 1 năm đâu, thậm chí họ ghét cả các cổ phiếu kém thanh khoản chỉ vì khó giao dịch liên tục với khối lượng lớn. Mặc kệ đó là cổ phiếu lởm hay Bluechip thì cái mà họ thích chính là thanh khoản và có sóng liên tục.
Sau quá trình đầu tư thử nghiệm 2015-2016, tôi đã rất tự tin lao vào cơn cuồng loạn của cổ phiếu tăng giá chóng mặt 2017 với số vốn tích cóp 300 triệu. Ban đầu tôi cứ ngỡ mình đã thành công khi nhân đôi tài khoản lên 600 triệu cuối 2017, đầu 2018, nhưng giờ tôi mới ngỡ ngàng rằng mình đã trade bằng tiền Margin thêm tầm 450 triệu nữa và liên tục trong 1 năm tôi chỉ lãi có 100% trong khi nếu không dùng margin và nắm giữ 1 năm đó tôi vẫn kiếm được 100%.
Vậy tiền đã đi đâu?
Câu trả lời là PHÍ – THUẾ - MARGIN
Mới việc vay margin lên đến 3:7 tối đa, đã mất rất nhiều tính bình quân 1 năm.
Bạn đã hình dung tiền của tôi đã đi đâu rồi đúng không.
Nếu bạn giao dịch có lãi lớn thì có thể thanh toán được hết đống chi phí này.
Nếu bạn giao dịch huề hoặc lỗ thì bạn hình dung được kết cục của mình rồi đó.
CẠM BẪY 2: Hợp đồng Margin?
Cảm nhận của tôi đây chính là cạm bẫy kinh khủng nhất mà tôi đã phạm phải.
Người môi giới của tôi thật thật chuyên nghiệp, bạn ấy nói rằng có thể lúc này anh không cần vay mua gì cả nhưng một thời gian sau khi anh nhận thấy các cơ hội lớn anh sẽ cần vay thôi, hãy cứ ký trước đi, mình dùng hay không dùng cũng được, không tốn phí gì cả. Thậm chí cậu ấy còn nói rằng, margin sẽ giúp nhân đôi, nhân ba tài khoản.
Giờ nhớ lại tôi đã mắc cái câu này giống như cách mà tôi mắc nợ thẻ tín dụng. Bạn biết đấy, ngân hàng không kiếm được tiền bằng cách cho bạn xài thẻ tín dụng miễn phí mà còn được chiết khấu lúc mua hàng nữa; họ kiếm tiền bằng cách khuyến khích bạn dùng tiền nhiều đến mức bạn không còn khả năng trả nợ và chuyển sang trả lãi và thế là họ thu 2% mỗi tháng.
Hợp đồng Margin hay thẻ tín dụng như lưỡi câu đã giăng sẵn chỉ chờ bạn cắn câu mà thôi.
Tôi cũng không ngoại lệ, tôi đã mắc câu, lao vào vòng xoáy dùng margin với mong muốn phất lên nhanh chóng,cảm giác thật rạo rực, chiến thắng liên tiếp. Có một điều mà tôi không biết là chiến thắng mà tôi có không phải vì tôi giỏi mà vì may mắn thị trường đi lên, hưng phấn tột độ, một tay mơ mới vào nghề chọn đại một cổ phiếu trong nhóm VN30 mua vẫn có lãi 100%.
CẠM BẪY 3: Tham lam, vô kỷ luật, thiếu nhất quán?
Ban đầu mọi thứ thật đẹp và nghiêm túc từ: Kế hoạch trading – quản lý tiền – tâm lý giao dịch. Nào là kỷ luật, nhất quán, không tham lam… Kể cả chiến lược CON RÙA huyền thoại cũng được tính tới.
Rồi mọi thứ bị bỏ vào một góc khi thị trường tăng mạnh, sự hưng phấn tột độ năm 2017, đầu 2018, thị trường thì nhan nhản tin tốt. Tôi bị cuốn vào vòng xoáy hồi nào không biết.
Tôi giao dịch không nhiều cổ phiếu lắm, hầu như là các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản cao như VJC VPB HPG MWG và nhóm VN30…. Tôi hăng máu lao vào với Margin 3:7, mong muốn phất lên nhanh chóng. Cổ phiếu giảm gần ngưỡng Force sell thì tôi bán ra trước, hôm sau mua lại. Với chiến lược này tôi đã thắng hơn 100% năm 2017, đầu 2018.
Và cũng với chiến lược này đã làm tôi khánh kiệt trong vòng 3 tháng kể từ tháng 4-2018. Tôi đau đớn rút ra số tiền chỉ bằng 25% so với đỉnh điểm, nghĩa là mất đi 50% vốn gốc ban đầu, mọi thứ ra đi quá nhanh quá nguy hiểm, quá đau đớn, quá ngu ngốc, tôi tự trách bản thân mình.
Tháng 10 vừa rồi tôi tham khảo bạn bè về chiến lược đầu tư của họ, liệu họ có lời không. Thật bất ngờ là trường phái nào cũng về con số KHÔNG tròn trĩnh là ít nhất, tệ hơn là lỗ rất nặng. Không loại trừ ai cả, đầu tư cơ bản, lướt sóng… đều tan nát. Mọi thứ còn lại của họ hiện giờ chỉ là mớ hy vọng mong manh thị trường sẽ tăng trở lại, với đủ mọi lý do trên đời chắc họ cũng không dám tin là thật.
Tôi cảm thấy thật an ủi phần nào.
Có lẽ người bình thản nhất là những người chủ công ty, họ là người có giá vốn thấp nhất, dù giá cổ phiếu có giảm bao nhiêu đi chăng nữa.
CẠM BẪY 4: Quá tin vào những thứ chỉ nên tham khảo mà thôi?
Từ cuối 2016, tôi bị tấn công liên tục bởi những lời mời chào của các công ty Chứng khoán, tỷ lệ margin siêu hấp dẫn, phí siêu rẻ, lãi vay cực thấp, phân tích báo cáo chuyên sâu, Broker chuyên nghiệp…. thật sự quá hấp dẫn, quá chuyên nghiệp.
Khi thị trường tăng giá, các công ty đặt kỳ vọng lợi nhuận cao, bộ phận phân tích chứng khoán thì upside cho cổ phiếu liên tục, làm các nhà đầu tư mờ mắt lao vào mua. Khi thị trường đi xuống, giá cổ phiếu đi xuống, họ cũng chẳng buồn downside, họ tiếp tục giữ nguyên giá mục tiêu, tất nhiên % tăng giá lớn thêm. Nhà đầu tư cứ thế tiếp tục giữ cổ phiếu và tiếp tục thua lỗ không ngừng.
Các chuyên viên phân tích họ cũng chẳng dám làm phật lòng các công ty mà họ làm ăn cùng đâu, nên nhà đầu tư sẽ hiếm khi thấy các bài phân tích đánh giá xấu.
Liệu Broker của bạn sẽ bảo vệ bạn khỏi thua lỗ? Câu trả lời là "họ chẳng quan tâm nhiều như bạn nghĩ đâu". Bạn cũng chỉ là một khách hàng của họ, không có bạn sẽ luôn có những nhà đầu tư mới, nếu họ có buồn thì cũng là một chút mà thôi.
Hãy nhớ lại xem, họ thích bạn trading nhiều hay giữ cả năm. Bạn đã nghe bao nhiêu từ "chỉ điều chỉnh chút thôi" hay thị trường "có tín hiệu hồi rồi" hay tin A B nào đó tích cực, hay căng margin nên bị bán nhiều, bình thường thôi... Được bao nhiêu lần bạn nghe họ nói bán hết rút tiền đi, khi nào thị trường tăng trở lại hẵng giao dịch (thật ra cũng chẳng biết khi nào tăng), bạn sẽ không bao giờ được nghe đâu, miễn là ngày nào bạn còn giao dịch là họ còn vui.
Hãy thận trọng với những lời tư vấn và báo cáo phân tích có tính chắc chắn.
SOROS từng nói "Các thị trường liên tục ở trong tình trạng bất ổn và biến động mạnh, chúng ta kiếm lợi nhuận bằng cách chiết khấu những điều chắc chắn và đánh cược vào những điều bất ngờ".
Quá nhiều cạm bẫy, quá nhiều khó khăn, quá nhiều thách thức,…
Liệu tôi nên chọn hướng đi nào đây? Học hỏi những gì để chiến thắng? Đầu tư ra sao? Chiến lược nào hợp lý? Hay mua chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số với tầm nhìn 5-10 năm.
Liệu còn những cạm bẫy nào khác đang đợi tôi phía trước hay không?
Mọi câu trả lời đều đang bỏ ngỏ, còn cả chặng đường dài phía trước cần tôi trả lời.