Cuộc thi "Tôi mất tiền" của Cafef tổ chức gợi cho tôi nhớ về một sự kiện diễn ra trong công ty tôi làm việc khi mới ra trường những năm 2007-2008. Tôi xin chia sẻ với mọi người câu chuyện diễn ra tại công ty tôi những năm đó như một hồi ức về những tháng ngày ăn ngủ với cổ phiếu và rốt cục tiền mất tật mang.
Công ty của tôi khởi thuỷ là một xí nghiệp sản xuất của nhà nước. Năm 2007 thực hiện chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước của Chính Phủ xí nghiệp của tôi được chuyển đổi thành công ty cổ phần. Quá trình cổ phần hoá đó đã mang đến cho cán bộ nhân viên chúng tôi quyền được mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi. Toàn thể cán bộ nhân viên công ty từ các cấp lãnh đạo đến những nhân viên hành chính văn phòng, những công nhân sản xuất, nhân viên bảo vệ…đều háo hức với chính sách này. Và chúng tôi bắt đầu lao vào cổ phiếu từ đây mà không hề tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai sẽ như thế nào.
Thời điểm đó cũng là thời kỳ mà thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên khái niệm về cổ phiếu, về thị trường chứng khoán còn rất xa lạ với những người làm công ăn lương như chúng tôi, nhưng với sự sục sôi của thị trường chúng tôi vẫn lao vào mà không hề nao núng. Người ít tiền thì cũng cố gom góp để mua được đủ số cổ phiếu ưu đãi của công ty. Người nhiều tiền thì mua vào càng nhiều càng tốt. Có những cô chú công nhân gắn bó gần hai chục năm với công ty từ những ngày đầu thành lập đã không ngần ngại bán đi ruộng vườn nhà cửa ở quê nhà để mua cổ phiếu. Có người thì nghĩ cổ phiếu như một món hồi môn để dành để cho con cái sau này nên mang hết số tiền dành dụm chắt chiu gần nửa đời người để mua cổ phiếu. Có người thì vay mượn người thân, bạn bè để mua. Ai cũng muốn mua vào càng nhiều càng tốt và kiên quyết không bán ra. Có những người nhanh nhạy đã chớp thời cơ làm trung gian môi giới, mua bán cổ phiếu từ người này sang người khác để kiếm lời. Mọi người đều tin tưởng giá cổ phiếu sẽ lên cao, cao mãi và chúng tôi sẽ trở thành những người chủ thực sự của công ty, sẽ làm giàu từ chính những cổ phiếu mà mình đang sở hữu.
Tham gia vào thị trường chứng khoán lúc đó tuy chỉ giới hạn trong phạm vi mua bán cổ phiếu của công ty nhưng những người làm công ăn lương như chúng tôi cũng đã trải qua bao cung bậc cảm xúc, vui buồn xem kẽ khi giá cổ phiếu lên cao chót vót rồi tụt xuống không phanh. Thời điểm cuối năm 2017 giá cổ phiếu của công ty tôi được đẩy lên cao vút gần 100.000 đồng/1 cổ phiếu. Khi đó đến cơ quan thấy ai cũng hào hứng, vui vẻ và phấn khởi. Trong giờ làm việc, giữa giờ nghỉ trưa, tại văn phòng làm việc, dưới các phân xưởng sản xuất mọi người sôi nổi, bàn tán và chia sẻ những câu chuyện, những dự định sẽ làm khi thu được tiền từ cổ phiếu mặc dù lúc đó chưa ai cầm được một đồng tiền thật sự nào từ việc mua bán cổ phiếu.
Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng đầy gang. Sang đầu năm 2018 thị trường chứng khoán thực sự có những biến đổi khôn lường. Đó là sự trồi sụt của thị trường và giá các loại cổ phiếu bắt đầu giảm không phanh trong đó cổ phiếu của công ty chúng tôi cũng không ngoại lệ. Những ngày đầu giảm giá mọi người vẫn giữ niềm tin và cho rằng đây chỉ là sự điều chỉnh tạm thời của thị trường rồi cổ phiếu sẽ tăng vọt trở lại. Nhưng rồi chuỗi ngày giảm giá liên tục và các giao dịch bán tháo đã bóp nát niềm hi vọng của toàn bộ cán bộ nhân viên chúng tôi. Đến lúc này có bao người muốn bán đi số cổ phiếu mà mình đã cố gắng mua vào để cắt lỗ mà không bán được. Có những người đã bán đi nhà cửa và dùng hết tài sản tích luỹ của gia đình để mua cổ phiếu giờ lâm bệnh trầm cảm vì cầm trong tay một mớ giấy lộn. Có những người hoang mang sợ hãi khi không chấp nhận được sự thật: tiền và tài sản của họ đã bốc hơi vì cổ phiếu. Có những người là bạn bè thân thiết đầu tư cùng nhau giờ trở lên lạnh nhạt, mâu thuẫn vì đầu tư thua lỗ. Biết bao mảnh đời bỗng trở lên ngang trái vì cổ phiếu. Biết bao giọt nước mắt đã rơi vì tuyệt vọng. Và rồi rốt cục chúng tôi cũng đành chấp nhận sự thật chúng tôi đã mất tiền vì chính sự thiếu hiểu biết và tâm lý đầu tư bầy đàn của mình. Nhưng đã quá muộn vì khi chúng tôi nhận ra điều đó thì tất cả chỉ còn là một mớ giấy lộn, cổ phiếu đã trở về với giá trị thực của nó.
Qua câu chuyện từ chính trải nghiệm mất tiền của bản thân và đồng nghiệp tôi muốn chia sẻ với các bạn một điều, ở bất kì thị trường hay kênh đầu tư nào, nếu như bạn không có kiến thức vững vàng và một sự nhay nhạy nhất định thì bạn rất khó để thành công và kiếm được tiền từ thị trường đó, bạn sẽ mất tiền dù có thể trước đó bạn kiếm được rất nhiều. Vì vậy nếu không muốn mất tiền thì hãy trang bị cho mình những kiến thức về thị trường, hãy tham khảo kinh nghiệm của những nhà đầu tư đi trước, đừng vội vàng đầu tư theo đám đông mà hãy lắng nghe kỹ càng những tín hiệu thị trường để có được những quyết định đúng đắn nhất.