Thị trường chứng khoán là một kênh sinh lợi tốt cho những nhà đầu tư có hiểu biết, có tư duy chiến lược và am hiểu thị trường. Đó là chia sẻ của bạn tôi, là một nhà môi giới chuyên nghiệp tại một công ty chứng khoán. Bạn chia sẻ rằng có nhiều mất tiền bởi vì người ta "chơi chứng khoán" chứ không phải đầu tư chứng khoản. Mà lạ thay, "chơi chứng khoán" lại là một khái niệm phổ biến trong thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Bạn kể, có nhiều khách hàng đơn thuần là chơi chứng khoán, bỏ tiền mua cổ phiếu rồi thả đó. Chờ khi giá lên rồi bán kiếm lời. Chơi theo kiểu lướt sóng. Có lần bạn tư vấn rất kỹ, khi quyết định "đầu tư" mã nào, hãy nghiên cứu kỹ xem tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh, rồi dòng tiền rót vào mã đó, xem lượng cung/cầu mua rồi hãy quyết định. Nhưng có những khách hàng không chịu nghe "chuyên gia tư vấn" mà đánh bụp, để rồi tài sản teo, giá trị giảm. Như hồi tháng 4 năm ngoái, có khách hàng bỏ tiền mua SCR giá hơn 13k, nay thị trường giá còn chưa tới 8k, hay SHB tháng 4 năm rồi giá gần 14k, nay còn gần 8k. Đó gọi là chơi chứng khoán chứ không gọi là đầu tư. Đầu tư có nghĩa là bạn có chiến lược và có giải pháp bảo toàn vốn. Chứ không chơi kiểu tùy duyên như thế.
Có những thất bại khác kiểu chơi khác đó mà bạn bảo là "đu trend", thấy cổ phiếu nào tăng giá tốt, thấy thiên hạ mua vào thì cứ thế đu theo. Bạn chứng kiến nhiều người "đu trend" kiểu đó và giá trị nhỏ dần. Điển hình nhất là sau cái đại hội cổ đông năm 2018, cổ phiếu của ACB lên rất cao, nhiều người "đu trend", sau đó ngậm ngùi khi giá cổ phiếu ACB giảm. Tiền mất theo kiểu "đu trend" như thế. Người ta mất tiền bởi vì chơi chứng khoán cơ mà?Chơi thì có nghĩa là phó mặt cho may rủi. Để rồi có những người sau khi đóng tài khoản chứng khoán, bảo là mình chẳng có duyên với chứng khoán. Nếu ai đó nói mà đầu tư chứng khoán, thì chẳng bàn tới chuyện duyên số gì cả. Họ kết luận rằng, phân tích sai, đánh giá sai nên rót tiền sai. Họ sẽ tìm cách gỡ với chiến lược rõ ràng, chứ không phó mặt cho đất trời như thế.
Một chia sẻ khác của bạn để chứng minh rằng Chơi chứng khoán nó khác với đầu tư chứng khoán. Khách hàng của bạn là một ông giáo về hưu. Thời gian rảnh rỗi, ông bắt đầu nghiên cứu chứng khoán. Người già nên tính rất cẩn thận và không bao giờ muốn mất tiền. Con cái đi xa, hưu rồi nên phải bảo toàn vốn nhỏ của mình. Tiền không đẻ ra tiền con thì thôi, chứ không thể để chúng mất theo. Sau những thất bại ban đầu, ông giáo già bắt đầu rút ra được kinh nghiệm để bảo toàn vốn. Ông chọn cổ phiếu trong lĩnh vực điện nước mà đầu tư. Cho dù bạn tư vấn có những mã cổ phiếu tốt hơn, nhưng ông vẫn tham khảo và đầu tư theo ý của mình. Ông đúc kết rằng, đầu tư thì phải tính đến dài hạn, cổ phiếu trong rổ điện nước thì giá ổn định và chi cổ tức cao. Ông không lướt sóng, mà giữ đó để rồi nhận cổ tức. Lợi tức đó lấy ra xài hoặc tái đầu tư. Ông luôn chọn cổ phiếu với mức chi cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng và chọn mua cổ phiếu lúc nó giá thấp. Đầu tư có nghĩa là có chiến lược hẳn hoi. Ông giáo hưu trí lựa cho mình rổ chứng khoán, rồi sàng lọc và chọn đúng thời điểm mua.
Bạn kết thúc chia sẻ bằng có khi ông giáo ấy khoe với bạn khi nhận đủ cổ tức rồi chốt bán khi giá cổ phiếu ở mức cao. Bạn có khi khuyên giữ lại vì có thể giá sẽ cao hơn nữa. Nhưng ông lại bảo rằng "biết đủ là đủ" là một luật chơi của ông. Khi ông thấy mức sinh lời đã đủ thì ông bán đi thu tiền về. Ở đời, người ta tham lắm, "biết đủ là đủ" mới là không ngoan.
Và những bài học ấy, nên được chia sẻ với những người trắng tay "vì chơi chứng khoán". Nghe xong chia sẻ của bạn, tôi tự thấy mình mất tiền bởi vì chưa phân biệt được khái niệm "đầu tư chứng khoán hay là chơi chứng khoán".