Đánh theo người khác chính là một trong những sai lầm tệ hại nhất, hay ít nhất cũng có nhiều người nghĩ thế. Vâng, nếu chơi theo người khác mà lãi thì cũng là đúng, còn bắt chước cách chơi của người khác mà thua lỗ thì chẳng còn gì để nói.
Ấy vậy mà vẫn có một tay lính mới gà mờ sẵn sàng nghiên cứu hàng chục cuốn sách của các cao thủ, huyền thoại cả tây lẫn ta để mong hình thành một phong cách đầu tư cho riêng mình. Thời đó, tôi bước chân vào thị trường chứng khoán với nhiều ước vọng lớn lao, rằng mình sẽ trở thành một nhà đầu tư lớn, có thể không nổi tiếng như những cao thủ bậc nhất, nhưng ít ra cũng hình thành nên một chiến lược hoàn hảo đủ để kiếm được lợi nhuận đều đặn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó rõ ràng là mong muốn chính đáng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, nhưng vấn đề là làm cách nào để đạt được nó?
Hồi đó, tôi vẫn chỉ biết kết giao thật nhiều, đánh theo bất cứ ai tôi cảm thấy tin tưởng. Những nguồn thông tin từ nhiều phía, trên các diễn đàn mạng, các group chat, các hội nhóm kín. Đâu cũng có cao thủ - những người được trọng vọng vì đã giành thắng lợi nhiều lần, hình thành nên các "dây phím" hoạt động suốt ngày đêm. Tôi cũng đã trờ thành một mắt xích trong cái khí thế "tiền hô hậu ủng" đó.
Rồi cũng đến lúc tôi nghĩ rằng mình không thể tiếp tục chỉ đánh theo tin phím. Tôi phải tự mình nghiên cứu để tìm ra những công ty tốt để có thể tạo nền tảng cho danh mục của mình. Việc lướt sóng hằng ngày cũng khiến tôi mệt mỏi và chỉ mong muốn có tiền lãi đều mà không cần tốn nhiều công sức canh bảng. Và thế là tôi bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh kiếm vài cổ phiếu tốt với giá rẻ để đầu tư giá trị.
Suy nghĩ đó đã khiến tôi phải tìm hiểu sâu về trường phái đầu tư này. Trên thị trường lúc đó ngoài các quỹ đầu tư nước ngoài với đội ngũ, vốn và chiến lược hùng hậu. Tất nhiên, một nhà đầu tư cá nhân như tôi không thể biết được cặn kẽ các chiến lược của họ, thế là tôi xoay sang tìm hiểu những cách khác, mà chủ yếu là … học qua sách. Khi đó, có rất nhiều quyển sách của các huyền thoại đầu tư trên thế giới như Warren Buffett, George Soros hay cuốn nói về phong cách đầu tư của 4 nhà đầu tư lừng danh: Jesse Livermore, Nicolas Darvas, William O’Neil và Bernard Baruch. Tôi say như điếu đổ, nhưng để áp dụng vào thị trường Việt Nam thì không thể bê nguyên phong cách của mấy nhà đầu tư bên Tây được. Mày mò trên mạng, tôi tìm được một cuốn sách lưu truyền âm thầm trong giới đầu tư cá nhân, đó là một tài liệu không rõ tác giả, nói về các mẹo để đầu tư dành cho người từ mới bắt đầu đến cao cấp.
Tôi không tin nổi có tồn tại một cuốn sách như vậy. Nó cũng chẳng phải là sách, mà chỉ vài chục trang tài liệu, một cao thủ ẩn dật nào đó đã kiệt kê tất cả những sai lầm mà "newbie" sẽ mắc phải khi dấn thân vào "con đường cờ bạc" này. Không chỉ vậy, cao thủ này còn phân tích khá cặn kẽ các phương pháp đầu tư của giới đầu tư phương Tây, cũng như chỉ dẫn cơ bản về phong cách phân tích kỹ thuật của anh ta. Tôi tin rằng mình vớ được một tài liệu tốt, ngấu nghiến nó và gần như thuộc lòng. Càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra rằng nó phản ánh khá chân thực tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi có khi không tuân theo quy luật nào trên thế giới.
Những kiến thức trong tài liệu đó không sai, nhưng cũng chỉ để tham khảo. Kinh nghiệm thực tế mỗi người rút ra còn quan trọng hơn nhiều. Đó là bài học, hay cái giá mà tôi phải trả khi quá ỷ lại vào kiến thức của người khác để áp dụng máy móc vào công việc đầu tư của mình. Khi một cổ phiếu có các chỉ số cơ bản y như sách khuyên mua, có chỉ báo kỹ thuật "y chang" mô hình đẹp nhất trong sách, lại có tất cả thông tin có lợi, cũng như đà lên của thị trường. Vậy mà tôi lại lỗ đúng cái cổ phiếu "ngon" nhất đó. Thực tế không đơn giản như sách, nếu đánh theo sách thì "chết là cái chắc", đó cũng là bài học đắt giá, bài học tôi vẫn bị đem ra chế giễu ngay cả nhiều năm về sau. "Giờ chú còn đánh theo sách nữa không?", câu đùa tếu táo của đám bạn cũ nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy chua chát trong lòng. Lần đó mất không nhiều, chỉ vài chục nhưng đối với newbie là học phí xứng đáng.