Tục ngữ của ông cha ta có câu: "30 chưa phải là tết", câu đó áp dụng vào thị trường chứng khoán Việt Nam phải là: “T+2 chưa phải là Tết”. Việc không dự đoán được giá cổ phiếu biến động thế nào trong ngắn hạn chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thua lỗ.
Khi mới bắt đầu bước chân vào thị trường chứng khoán, tôi vẫn hí hửng nghĩ rằng: nếu mình may mắn thì có thể mua và bán ngay trong phiên và sẽ kiếm lãi dễ dàng. Tuy nhiên đời không như là mơ, để cổ phiếu về tài khoản thì cần phải chờ hai ngày nữa và đến khi cổ phiếu về thì chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Không giống như các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều nhà đầu tư phải "ôm hận" khi cổ phiếu vừa mua xong đã giảm sàn. Họ tiếp tục phải nhìn tiền của mình mất đi mà không làm gì được. Đến khi cổ phiếu về thì cũng phải sáng hôm sau mới bán được. Đó là một khó khăn lớn cho những người mới chơi còn non kinh nghiệm. Họ không thể dự đoán trước được trong ngắn hạn thị trường sẽ ra sao. Mà nói một cách công bằng thì việc dự đoán chính xác còn khó khăn cho chính "tay to" chứ không riêng gì nhà đầu tư cá nhân.
Vâng, tay to đến đâu cũng lỗ nếu không tính ngày về, đó là câu châm ngôn tôi đã nghe khi mới tham gia thị truờng. Dù có nhiều vốn, bạn cũng không thể bắt thị truờng khách quan theo ý mình, dù có là big boy cỡ bự. Tôi đã từng chứng kiến một nhà đầu tư giàu có đổ tiền để đẩy giá cổ phiếu trong 3 ngày liên tục. Đến khi hàng của ngày đầu tiên về thì anh ta nhận ra mình không đủ lực, rồi cổ phiếu hai ngày sau chưa kịp về thì đã đỏ sàn.
Tôi đã dính phải vấn đề này khi cố đu theo các cổ phiếu có dấu hiệu bị "lái". Biết là rủi ro nhưng tôi vẫn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Thường thì khi đã lo lắng về T+3, nhà đầu tư sẽ ưu tiên hàng đầu cho các cổ phiếu an toàn, có thiên hướng phòng thủ tốt. Thế nhưng lúc đó, tôi đã nghe theo lời đường mật của "đội thạo tin" rằng ông lo cái gì, toàn tin tốt, thị trường thì ủng hô, đội đánh lên lực mạnh, cứ yên tâm mà xúc. Tôi không nghĩ ngợi nhiều, mua vào nhanh chóng vì sợ lỡ tàu, quên béng vụ lo sóng ngắn, cổ phiếu về thì đã lỗ.
Tôi lỗ thật. Chỉ được một hôm tăng và thanh khoản khủng, cổ phiếu "toàn tin tốt, đội đánh mạnh" đã lao dốc không phanh. Nỗi lo của tôi đã trở thành sự thật. Cổ phiếu chưa kịp về đã hai phiên đỏ sàn. Thanh khoản biến đâu mất, lực mua biến đâu mất. Mấy ông anh phím hàng cũng lặn mất tăm, gọi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời "anh cũng chết đây này, hàng anh nhiều hơn chú nhiều". Ngay cả mấy tay theo tàu cũng chết dở, may mà họ chơi ít nên không lỗ nhiều, chỉ có tôi vì mua sát đỉnh quá nên không chạy kịp. Đến khi bán được, tôi đã lỗ hơn 25%. Đó là sai lầm tai hại, chỉ vì ham hố mà không tính đến việc mình sẽ ngã "sấp mặt" khi cổ phiếu chưa về.
Sai lầm đó nghe có vẻ mơ hồ, nhưng lại là chuyện diễn ra thực tế hằng ngày trên thị trường. Mặc dù tôi khá cẩn thận, không đụng tới mấy cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá, nhưng một lần nữa tôi lại bị dính bẫy T+2. Tôi đã chọn một cổ phiếu không dễ bị làm giá, nhưng lại không chú ý đến tin tức bất lợi ảnh hưởng đáng kể đến nhóm ngành. Và tôi lại tiếp tục mất tiền.
Để tránh dính bẫy T+2, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm :
- Tránh mua vào những ngày có dấu hiệu lập đỉnh, thanh khoản cao trong vài giớ, sau đó lực bán đè dần lực mua.
- Tránh mua các cổ phiếu đang trong tình trạng có thông tin bất lợi ảnh hưởng đến nhóm ngành.
- Không nên mua các cổ phiếu nhỏ, có dấu hiệu làm giá mà đã tăng được một thời gian.