Trong thị trường chứng khoán Việt Nam, lý do thua lỗ và mất tiền có muôn vàn, trong đó phải kể đến tâm lý muốn giàu nhanh, hay là muốn “ăn dày. Càng thất bại, tôi càng muốn ăn dày để gỡ. Đó không phải tham mà là quá tham.
Trên thực tế, số cổ phiếu tạo ra lợi nhuận ngắn hạn thì rất nhiều, nhưng đã muốn ăn nhiều thì phải hy vọng vào cổ phiếu tạo lãi trong trung hạn, hoặc sẵn sàng đánh cược với penny vì chúng "dễ đánh". Có nhiều sóng penny cho lãi cao, nhìn thì tưởng ngon ăn, nhưng để mua được khi giá thấp và bán được khi giá cao là một việc vô cùng khó khăn. Có lúc, tôi nghĩ rằng để tiền chờ nhảy lên tàu penny, nhưng đều thất bại vì không thể vào đúng thời điểm. Lúc cần mua thì không thể mua được và lúc cần bán thì không thể bán được.
Tâm lý muốn ăn nhiều làm tôi không sáng suốt trong việc chọn cổ phiếu để mua. Tôi thắng nhiều mà thua cũng nhiều. Nguyên nhân thắng nhiều khi không chỉ ra được nhưng nguyên nhân lỗ thì vô số. Một trong số đó chính là do nôn nóng muốn ăn nhiều mà mua phải cổ phiếu không tốt, hoặc mua vào sai thời điểm.
Một trong số đó là DHG. Đây là cổ phiếu đầu ngành, được nhiều người đánh giá là cổ phiếu tốt, tăng trưởng, triển vọng. Đợt cổ phiếu này tăng giá mạnh, tôi lại không dám vào, khi vào thì đã vùng đỉnh. Cảm thấy đã ở đỉnh nhưng lại không bán, tôi đã nếm trải thất bại. Đợt đó tôi chỉ lỗ số tiền nhỏ, không nhiều nhưng đó là phần vốn quan trọng. Chán nản, tôi rời xa các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đánh cược vận may với cỏ phiếu gỗ, thép, và cũng thất bại bởi muốn lãi to, lãi nhanh.
Ai trong chúng ta cũng từng muốn lãi nhanh, lãi nhiều, nhưng rất ít người chịu bình tâm suy xét khi có tín hiệu nào đó, rồi ra quyết định đúng lúc. Thông thường, nhà đầu tư khó kiểm soát nổi cảm xúc của mình thì thấy một "chuyến tàu" chạy qua ngay trước mắt mình. Đó là nguyên nhân tại sao nhà đầu tư nhỏ không kiên định sẽ nhanh chóng bị quét như lá rụng trước các đợt tấn công của "tay to".
Đó mới chỉ là một nguyên nhân, còn nguyên nhân nữa là khi đã có lãi rồi lại muốn lãi to hơn, không biết buông tay, để khi "sập sàn" không bán được. Hồi đó, NTP là một ví dụ đau lòng của tôi. Đây là một cổ phiếu được đánh giá tốt của ngành nhựa, có mức tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận tốt. Đến khi cổ phiếu này bắt đầu tăng, tôi đã mua vào, rồi chờ đợi diễn biến với hy vọng ăn lãi nhiều. Mấy ngày sau, NTP tiếp tục tăng nhưng đến ngày thứ 3 thì giảm. Tiếc rẻ, tôi vẫn giữ chổ phiếu và không bán, dù có người khuyên bán đi vì có dấu hiệu lập đỉnh. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đã mất công mua thì bán vội làm gì, chẳng lãi được bao nhiêu. Tôi mất tiền từ quyết định đó vì NTP sau đó giảm giá liên tục.
Đó chính là sai lầm dẫn tới thua lỗ khi muốn lãi nhiều. Sai lầm này không chỉ tôi mắc phải mà tin rằng nhiều người khác cũng từng có tâm lý này khi liều mua các cổ phiếu penny. Đang trên đà thua lỗ, lúc đó tôi chỉ còn vài trăm triệu trong tay, nên chỉ có ý nghĩ phải thắng một ván lớn để mau chóng gỡ lại số tiền đã mất. Sự nôn nóng đó đã làm tôi bỏ qua không nghiên cứu cổ phiếu lớn mà chỉ muốn chơi cổ phiếu nhỏ, mong ăn gấp đôi, gấp ba. Đó là điều rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Lần lượt 2 cổ phiếu penny tôi mua đều giảm sàn làm tôi chết điếng. Muốn bán cũng chẳng được, lệnh bán vô số, không ai cho tôi cơ hội để sửa chữa sai lầm. Tôi mất gần hết số vốn còn lại trong cay đắng, đến mức đứng ngoài thị trường rất lâu, khi quay lại, tôi không dám liều penny nữa.
Tôi rút ra nguyên tắc để chế ngự lòng tham của mình:
- Đã chơi penny là phải có chọn lọc, không mua theo người khác.
- Cảm thấy dấu hiệu lập đỉnh thì cân nhắc thoát, dù chưa ăn nhiều.
- Cắt lỗ khi đã lỗ 10%.
- Không bao giờ quyết định mua quá nhanh.