Đó chính là câu hỏi không bao giờ có câu trả lời chính xác, bởi vì khi chúng ta biết cũng là lúc ta đã lỗ. Đó chính là thực tế đáng buồn trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân thua lỗ thì muôn hình vạn trạng, và nhiều khi vô lý đến khó hiểu.
Con tàu đó có vẻ vững chắc nhất trên thị trường, một cổ phiếu mà khi lên sàn, ai cũng biết là sẽ lãi và tranh nhau mua, nhưng rồi lại thất vọng tràn trề, đó là SAB.
Trong các công tỷ niêm yết, có một số cổ phiếu được gọi là "cổ phiếu quốc dân", tức là các công tỷ đó có ảnh hưởng rộng lớn đến một lĩnh vực nào đó của đất nước, có thương hiệu mạnh, hầu như ai cũng biết. Với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, đây là một doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị trường giải khát phía nam và vươn ra phía bắc. Trong tâm trí những nhà đầu tư thì SAB là một cổ phiếu vô cùng hấp dẫn, bởi chỉ cần một người dân bình thường cũng biết đây là một công ty làm ăn tốt với thị trường rộng lớn, lượng tiêu thụ khổng lồ, lại chịu khó nghiên cứu sản phẩm mới, tìm kiếm hướng đi mới. Về mặt tổ chức quản lý thì đây là một công ty có hệ thống tốt, cách thức hoạt động năng động.
Với tất cả những mặt tốt đó thì không khó để đoán rằng SAB sẽ có mức tăng mạnh khi thị trường chung đi lên. Không khí ở công ty chứng khoán sôi sục giống như một vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá bơm tấn, ai cũng háo hức, vội vã, cứ như kiểu sợ lỡ mất chuyến tàu ngàn năm mới có một lần. Đó đúng là "con tàu giàu sang" kiểu Titanic hiện ra ngoài đời. Ai cũng bảo nhau phải tất toán mấy cổ phiếu khác để dành tiền lên tàu SAB.
Thật kỳ lạ, lúc đó tôi lại không hứng thú với cổ phiếu này. Vì tôi đã thu được một số lãi khá khá và chưa có ý định xuống tiền. "Mình đã có được thành quả, cứ tận hưởng cái đã", tôi nghĩ vậy và tiếp tục quan sát. Đúng như nhiều dự đoán, SAB tăng mạnh, khối lượng giao dịch lớn, đúng kiểu tăng giá điển hình của blue chip. Thấy mọi người hăm hở leo lên tàu, hớn hở chỗt lãi, lúc đầu tôi không quá quan tâm nhưng càng ngày tôi càng sốt ruột. Đúng là khi nhìn người ta có lãi trước mặt mình thì không sốt ruột mới lạ. Tôi mở mấy tài liêụ về SAB rồi chăm chú nghiên cứu. Rõ ràng đây là một công ty rất tốt, điều đó thể hiện ở trong các báo cáo lẫn số liệu tài chính. Tối cố tìm hiểu càng nhiều tài liệu càng tốt, xem xét cặn kẽ các giáo dịch quá khứ, cộng với tham khảo các phân tích kỹ thuật. Mọi thứ đều tốt, và thực tế là nó đang tăng mạnh, có rất nhiều người có lãi và hầu hết họ không nghiên cứu nhiều như tôi. Vậy mà họ có lãi còn tôi lại không.
Sự kiên nhẫn càng ngày càng mất dần trong tôi. Tôi bắt đầu tiếc rẻ vì không leo kịp lên tàu khi mọi người đã nhạy bén kiếm được lợi nhuận cao. Đợt tăng giá đó của SAB khá dài, đủ để đa số dân tình gỡ được thua lỗ trong thời gian qua. Bạn bè cũng thường hỏi tôi xem SAB có đáng để mua không. Đến mấy "tay mơ" mới tập tành đầu tư mà cũng kiếm lãi ngon lành từ cổ phiếu đó. Chờ một thời gian, tôi không thể chịu nổi, mua ngay SAB vì thấy có rung lắc và có lượng bán cổ phiếu ra.
Tôi lại mắc một sai lầm chí mạng, sai lầm kinh điển của "các con bạc", đó là không đánh giá mức giá mua vào có hợp lý hay không. Đúng là cổ phiếu tốt, thậm chí là rất tốt, nhưng giá mua thì cao ngất ngưởng cao đến mức vô lý cho dù đó là công ty tốt, dù thị trường đang đi lên. Như một sự trừng phạt, SAB bắt đầu lao dốc sau khi tạo đỉnh. Dù đã có lực mua khá nhiều. Lúc đó tôi cũng không quá lo lắng vì vẫn nghĩ nó sẽ tăng lại. Nào ngờ tin xấu đến bất ngờ, như một cái cớ để mọi người bán chốt lãi. Đợt chào bán của nhà nước mở đầu cho sự xuống dốc của SAB, và cũng là báo hiệu cho sự thua lỗ của tôi.
Vâng, "cổ phiếu vua" hay " cổ phiếu quốc dân" cũng có thể lỗ nặng nếu ta quá ảo tưởng vào độ "tốt" của nó so với giá ở mỗi thời điểm.