Những ngày Đà Nẵng giãn cách xã hội, các mặt hàng nhu yếu phẩm ở một số chợ vẫn dồi dào. Giá tăng nhẹ do nhân công và vận chuyển, sức mua giảm mạnh.
Giá tăng, khách vắng
17h ngày 27/7, chợ Chiều (quận Sơn Trà) hải sản vẫn đầy sạp nhưng lượng người mua thưa thớt.
Cô Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương ở chợ, cho biết, sau khi cảng cá Thọ Quang đóng cửa để phòng chống dịch, tiểu thương đã mua cá cấp đông về bán. Tùy thuộc vào loại cá mà giá cả khác nhau và tăng so với trước.
Chẳng hạn, cá ngừ ngày trước nhập vào 70.000 giờ lên 80.000 đồng/kg, cá bớp từ 150.000 bây giờ lên 170.000 đồng. Cá thu trước đây 180.000, nay tăng lên 200.000 đồng/kg nhưng có rất ít hàng để nhập.
Sạp cá của anh Nguyễn Quốc Hoàng tại chợ Hải Sản (quận Thanh Khê) cũng vào tình trạng tương tự. “Không thể lấy cá tươi nên tôi đã mua 15 thùng cá cấp đông về bán dần. Trước đây, tôi thường bán cá lớn như cá thu, cá bớp, cá mú nhưng giờ đóng cửa nên chỉ mua được các loại như cá cam, cá nục, cá ngừ”, anh Hoàng chia sẻ.
Sạp cá của anh Hoàng vắng khách tới mua |
Mặt hàng rau, củ, quả tăng giá nhẹ |
Anh Hoàng cho biết thêm, cá nhập về mất thời gian cấp đông nên đắt hơn so với trước, ví dụ như cá thu trước đây nhập vào 170.000 giờ lên 200.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Huyền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) bất ngờ khi thấy giá cá tăng. “Tôi đi chợ 3 ngày một lần theo phiếu của phường cấp, nay thấy giá cá tăng lên khá nhiều. Cách đây mấy hôm tôi mua cá ngừ 75.000, sau 3 ngày thì thấy giá đã lên 85.000 đồng/kg”, chị nói.
Ngược với các mặt hàng tăng giá nhẹ trên, một số loại hải sản những ngày giãn cách không được khách hàng lựa chọn nhiều, dù giá có giảm mạnh.
Sạp hàng cua ghẹ Sỹ - Thúy ở chợ Hải sản chiều 27/7 rất ít khách lui tới mua. Anh Sỹ kể rằng trước khi giãn cách, chợ tầm này tấp nập người mua - bán. Mặt hàng bán chạy là cua, ghẹ, chíp chíp... thời điểm này dù giá giảm đáng kể nhưng chợ vẫn ế ẩm. Các mặt hàng như cua, ghẹ, nghêu, sò, ốc, hến giảm từ 20.000- 50.000 đồng/kg. Như giá ghẹ giảm từ 250.000 xuống 200.000 đồng/kg
Sạp hàng cua ghẹ Sỹ - Thúy vắng khách lui tới |
Các sạp hàng tại chợ Hải Sản thưa thớt người qua lại |
“Bình thường tôi nhập 70kg hàng hóa mỗi ngày đều bán hết, nhưng bây giờ chỉ bán được 30kg mỗi ngày. Giờ đang tính nhập bớt lại vì lượng khách mua đã giảm 60-70%”, anh Sỹ nói.
Anh Sỹ nhìn nhận, các mặt hàng hải sản bán chậm là do lượng nguồn cung dồi dào từ các tỉnh và trong TP. Mặt khác, cua, ghẹ, ốc... không còn là lựa chọn tối ưu bằng cá thịt trong mùa dịch.
Chị Hoàng Anh (phường Thanh Khê, quận Thanh Khê), chia sẻ, trong thời gian thực hiện giãn cách, TP. Đà Nẵng đang áp dụng thẻ đi chợ 3 ngày/lần, giữa cá, thịt và cua, ghẹ chị luôn ưu tiên chọn mua cá, thịt tích trữ để hạn chế ra nơi đông người, vào chợ ai cũng đi rất nhanh, chọn mua những thứ định sẵn.
Tiểu thương hụt thu
Theo chị Võ Thị Trinh, tiểu thương chợ Bắc Mỹ An, các mặt hàng tăng chủ yếu do vận chuyển trong dịch khó khăn. Do lượng người mua trong dịch sụt giảm đến 70% dẫn đến việc buôn bán của tiểu thương cũng gặp khó.
Chị Trinh dẫn chứng, giá nhập cá thì lên giá nhưng lượng người mua lại không có nên có lúc bán lỗ. So với thời điểm trước khi dịch bùng phát, sạp của tôi đã giảm đến 80% doanh thu. Chị dự định bán hết số cá cấp đông đã nhập sẽ nghỉ chợ ít ngày.
Cảng cá Thọ Quang đóng cửa để phòng chống dịch bệnh, tiểu thương phải chuyển sang mua cá cấp đông từ cảng xuất ra. |
Bà Hòa thì nhìn nhận, vì số lượng người buôn ít, tàu đi biển cũng ít dần vì cảng cá đóng cửa... nên việc giá cá tăng như trên là chấp nhận được. Có điều, cái khó là hàng nhập cấp đông không để lâu được, trong khi người mua giảm nhiều. Vì vậy, lượng cá bà nhập về cũng ít hơn một nửa so với thời điểm dịch chưa bùng phát dịch.
"Trước dịch, mỗi ngày tôi thu được khoảng 40 triệu đồng tiền hàng, nhưng nay bán được 4 triệu là mừng lắm rồi”, anh Hoàng, tiểu thương chợ Hải Sản (quận Thanh Khê) nói.
Anh lý giải, nguyên nhân là bởi khách hàng thưa thớt. Dịch bệnh nên người dân ít đi lại, sinh viên thì về quê, các quán nhậu, nhà hàng không mở cửa, cộng thêm việc đi chợ theo ngày nên số lượng giảm là điều thấy trước.
Ông Lê Quang Điệp, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Chiều, cho hay, để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho bà con, Tổ quản lý chợ kiến nghị với phường nếu hết cá cấp đông từ cảng cá Thọ Quang sẽ hướng dẫn tiểu thương mua cá tại các cửa biển, từ các thuyền đánh bắt gần bờ.
"Tiểu thương có thể lấy thêm cá nuôi lồng bè tại vịnh Mân Quang và biển Sơn Trà về bán nên không lo nguồn cung ứng đứt gãy" - ông Điệp nói.
Công Sáng