Nguy cơ truyền bệnh
Gần đây, loài tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) được nhập vào Việt Nam làm thực phẩm, đặc biệt là ở các nhà hàng, quán nhậu và chào bán trên mạng xã hội với giá khoảng 250.000 - 350.000 đồng/kg. Theo những người chào bán, loài tôm này có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trao đổi với Tiền Phong, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nhà khoa học hàng đầu về đa dạng sinh học của Việt Nam cho biết, tôm càng đỏ là sinh vật ngoại lai xâm hại, không được nhập khẩu, nhân nuôi thương mại, được dân buôn nhập chủ yếu từ Mỹ và Trung Quốc.
Theo GS. Huỳnh, loài tôm trên hình dáng giống con tôm của Việt Nam, nhưng cơ thể nhỏ, với khoảng 30-40 con/kg. Loài tôm này có màu đỏ, giá chỉ trên dưới 300 nghìn đồng/kg nên rất hấp dẫn người mua. Tôm càng đỏ sống dưới bùn sâu, luồn rất giỏi, dùng càng đào hang để tìm giun, tảo nhỏ ăn, hoạt động vào ban đêm là chính. Loại tôm này thích ứng rất cao với môi trường mới, không chỉ dưới nước mà trên cạn bò cũng rất nhanh. Vì thế, các cửa hàng chỉ để rơi rớt vài con là nó bò đi chỗ khác, từ đó lan rộng dễ dàng. Loài tôm này cũng có vòng đời ngắn, sinh sản rất nhanh như ốc bươu vàng.
“Tôm càng đỏ khi ra ngoài môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Đối với lúa, hoa màu nó phá như ốc bươu vàng. Thậm chí, có nguy cơ mang những virus, vi khuẩn…truyền bệnh cho các loài khác, chưa kể con người”, GS. Huỳnh cảnh báo.
Theo vị chuyên gia này, tôm càng đỏ không chỉ bây giờ mới rộ ở Việt Nam mà từ năm 2016, Công ty TNHH Sen Hoàng Giang (ở Đồng Tháp) từng nhân nuôi. Khi biết thông tin trên, Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã làm việc với công ty này, sau đó tổ chức bắt và tiêu diệt loài tôm càng đỏ. Thời điểm đó, giám đốc Cty Sen Hoàng Giang nói đã mua 4kg (khoảng 120 con) tôm hùm đỏ từ Hà Nội về.
“Con tôm càng đỏ khi ra ngoài môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Đối với lúa, hoa màu nó phá như ốc bươu vàng. Thậm chí, có nguy cơ mang những virus, vi khuẩn…truyền bệnh cho các loài khác, chưa kể con người”. GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh.
Theo TS. Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT), tôm càng đỏ trước đây từng được Viện nuôi thử nghiệm nhưng không thành công vì nó đào lỗ, ăn cả cỏ non…không tốt môi trường cũng như nông nghiệp của Việt Nam, từ đó không đưa vào để nuôi. “Tôm càng đỏ chỉ được cái càng với phần đuôi, chứ thua xa tôm càng xanh của Việt Nam”, ông Lưu nói.
Theo TS. Lựu, loài tôm này có nguồn gốc từ bang Louisiana của Mỹ, là loài đặc sản ở đây. Sau đó, người Trung Quốc có nhập về nuôi để xuất trở lại Mỹ. “Gần đây, có thể do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khó xuất đi Mỹ, nên họ tìm cách đưa sang Việt Nam”, TS. Lựu nhận định.
Phải tiêu diệt, không để ra môi trường
Theo Bộ NN&PTNT, loài tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sinh được phép kinh doanh tại Việt Nam (theo Nghị định 26/2019, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản). Đây là loài ngoại lai xâm hại, nằm trong Phụ lục 18 ban hành theo Thông tư 35/2018 (ngày 28/12/2018) của Bộ TN&MT, quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm qui định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Theo các chuyên gia, người dân có thể chỉ xem đó là một loại tôm mua về làm thực phẩm, chưa ý thức được đây là sinh vật ngoại lai nguy hiểm. Khi nhập về các cơ quan cửa khẩu như hải quan cũng không nhận biết được và cho chủ buôn đưa vào.
GS. Huỳnh cho rằng, cơ quan chức năng ở cửa khẩu, phải “gác”, không cho phép nhập khẩu loại tôm này vào Việt Nam. Với các cửa hàng đang nuôi giữ để bán, phải xử lý tiêu hủy.
Ông Huỳnh đề nghị, các cơ quan chức năng ở Hà Nội, như Sở NN&PTNT, Quản lý thị trường…cần vào kiểm tra, xử lý, tuyên truyền, giải thích cho các cơ sở, người dân không nhân nuôi, buôn bán. Khi phát hiện loài tôm càng đỏ bị phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt. “Cái này phải làm triệt để chứ không để như bài học ốc bươu vàng làm dở chừng đến nay tốn bao tiền, công sức mà ốc bươu vàng vẫn tồn tại trên các ruộng, ao hồ ở Việt Nam”, GS. Huỳnh nói.
TS. Lưu cho rằng, để ngăn chặn loài tôm càng đỏ từ Trung Quốc, chỉ có cách làm quyết liệt từ biên giới, phát hiện phải tiêu hủy ngay. “Còn những con đã lọt vào nội địa, đặc biệt ở các cửa hàng, con nào còn sống phải giết chết, không để cho chuyển đi nơi khác”, TS. Lựu đề nghị.
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công văn hỏa tốc, đề nghị các địa phương, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trưởng “siết”, ngăn chặn sự phát tán loài tôm này ra môi trường tự nhiên.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương, các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định với các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác dụng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Kiểm soát chặt chẽ tôm càng đỏ
Bộ Công Thương cho hay, sau khi nhận được công văn hoả tốc của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với tôm hùm càng đỏ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có văn bản gửi các Cục QLTT đề nghị kiểm tra kiểm soát thị trường nghiêm ngặt đối với mặt hàng này.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong công văn hỏa tốc gửi các Cục QLTT địa phương, Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương phải huy động lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tôm hùm càng đỏ, đặc biệt là ở những địa bàn giáp biên với Trung Quốc, các nhà hàng, quán ăn tiêu thụ sản phẩm này để hạn chế tối đa mức tiêu thụ cũng như buôn bán tôm hùm càng đỏ. "Ngay trong tuần này, Tổng cục QLTT sẽ vào cuộc sát sao để kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này", ông Linh cho biết.
Ông Trần Hữu Linh cũng yêu cầu bộ phận giám sát kinh doanh trên mạng internet: Đánh giá mức độ tiêu thụ cũng như mua bán tôm hùm của Trung Quốc; chỉ đạo phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện cũng như kiểm soát chặt chẽ các kho, cửa hàng đang rao bán trên mạng mặt hàng này; kiểm tra kiểm soát kịp thời. "Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt, đặc biệt là tuyến đường biên giới giáp Trung Quốc, tuyến nối về trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM các Cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra gắt gao hơn đối với mặt hàng này", ông Linh nhấn mạnh. Thục Quyên