Kiên Giang là tỉnh nằm ven biển Tây, với chiều dài bờ biển hơn 200km. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nghề nuoi tôm nước lợ.
Nghề nuôi tôm nước lợ của Kiên Giang ngày càng phát triển
Theo đó, ven biển các huyện vùng U Minh Thượng, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần huyện Gò Quao sẽ phát triển mô hình nuôi luân canh tôm – lúa theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Diện tích nuôi tôm khu vực này khoảng 70.000 ha. Ngoài ra, khu vực ven biển, cặp theo quốc lộ 80, trải dài từ huyện Hòn Đất đến Kiên Lương cũng đang được chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa/năm sang luân canh tôm – lúa, với diện tích có khả năng chuyển đổi khoảng 20.000ha.
Khu vực tứ giác Long Xuyên, gồm các huyện: Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên là vùng tập trung nuôi tôm thâm canh công nghiệp và nuôi công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã chọn vùng đất này để nuôi tôm thâm canh, đầu tư khá bài bản. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có quyết định công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao đối với diện tích nuôi tôm của Cty CP Thủy sản Trung Sơn tại đây.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát và giá cả tương đối ổn định nên tôm nuôi nước lợ của tỉnh phát triển tốt. Cụ thể, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi được 123.623/123.000ha tôm nước lợ, đạt 100,5% kế hoạch và tăng 5,95% so với cùng kỳ.
Trong đó, nuôi theo mô hình tôm – lúa là 83.458ha, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến 37.596ha. Đáng chú ý là nuôi thâm canh công nghiệp, đây là năm đầu tiên tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra, với diện tích thả nuôi là 2.568/2.500ha, chủ yếu là nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (2.500ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 18.875 tấn tôm thương thẩm).
Không chỉ tăng về diện tích thả nuôi mà sản lượng tôm thu hoạch của tỉnh năm nay cũng đạt khá cao, ước tính đến giữa tháng 11, đạt 70.796 tấn, đạt 102,6% kế hoạch và tăng tới 23,79% so với cùng kỳ. “Ước tính hết tháng 11 này sản lượng thu hoạch sẽ đạt khoàng 71.000 tấn và cả năm sẽ đạt 73.000 tấn tôm thương phẩm, vượt xa so với kế hoạch mà tỉnh giao cho ngành nông nghiệp là 69.000 tấn. Vì vậy, nguồn tôm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến khá dồi dào, không lo thiếu hụt”, ông Thao dự báo.
Ông Ngô Quang Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công thương Kiên Giang nhận xét: “Năm nay tình hình xuất khẩu của tỉnh khá thuận lợi, khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: lúa gạo, tôm đông, giày da… đều vượt kế hoạch đã đề ra”.
Năm nay được coi là một năm thắng lợi với người nuôi tôm nước lợ |
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 của tỉnh ước đạt 56,35 triệu USD, tăng 1,95% so với tháng trước. Như vậy, lũy kế 11 tháng đã đạt trên 579 triệu USD, đạt 111,35% kế hoạch và tăng 35,18% so với cùng kỳ. Con số này đã vượt xa mốc 520 triệu USD nhiệm vụ được giao của cả năm. Với tình hình xuất khẩu thuận lợi như hiện nay, trong tháng 12 sẽ có nhiều mặt hàng tiếp tục được đẩy mạnh, ước cả năm sẽ đạt con số 640 triệu USD.
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Kiên Giang, dẫn đầu là các mặt hàng hải sản, trong đó có tôm đông và tôm chế biến, với tổng kim ngạch của 11 tháng ước đạt hơn 200 triệu USD. Kế đến là mặt hàng gạo, 189 triệu USD và giày da là 152 triệu USD…
Xét về mặt sản lượng, từ đầu năm đến nay Kiên Giang đã xuất khẩu 364.090 tấn gạo; 3.562 tấn tôm đông, hàng chục ngàn tấn hải sản khác, như mực, bạch tuộc…