Từ tháng 5/2018, tôm thẻ chân trắng rớt giá không phanh tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện tại, tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá 130.000đ/kg; loại 60 con/kg còn hơn 75.000đ/kg và 100 con/kg còn 70.000đ/kg.
Ông Nguyễn Văn Thương (Út Thương), xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết, vừa thu hoạch 11,8 tấn tôm thẻ chân trắng, loại 36 con/kg, bán giá 130.000đ/kg. Ông Út Thương so sánh: “Từ đầu năm đến nay, giá tôm giảm khoảng 40.000đ/kg nên hơn 10 tấn tôm vừa thu hoạch mất hơn 400 triệu đồng, huề vốn là may, không mong gì có lời”.
Ông Ngô Minh Nguyên, ở xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hoà Bình, Bạc Liêu) cho biết: “Tôi đang nuôi 4 ao tôm công nghiệp, với giá hiện nay, cầm chắc bị lỗ vốn”. Ồng Vũ Văn Phí, ở cạnh ông Nguyên than thở: “Tôi vừa thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng, đạt 100 con/kg, bán được 70.000đ/kg, tính có lời ai dè lỗ!”.
Ông Võ Văn Nhựt, ngụ xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nói: “Ao tôm thẻ chân trắng thả nuôi hơn 3 tháng, vừa thu hoạch, bán với giá chỉ 70.000 đồng/kg, lỗ hơn 10 triệu đồng do tôm chậm lớn, chi phí cao, giá tôm giảm mạnh…”
Khi giá tôm thẻ chân trắng rớt giá tham, thương lái đòi ép giá tôm loại 60 con/kg đến 100 con/kg là 65.000đ/kg. Ông Nguyễn Văn Hận, ở xã Tân Trung (Đầm Dơi, Cà Mau) nói: “Tôi nuôi được tôm loại 40 con/kg, kêu 20 thương lái đến bán nhưng họ lắc đầu vì tôm cỡ lớn khó tiêu thụ?".
Tôm thẻ chân trắng chiếm 70% mô hình thâm canh, siêu thâm canh cho năng suất cao, sản lượng nhiều vùng ven biển bán đảo Cà Mau. Cơn bão giảm giá hơn 3 tháng qua, người nuôi tôm thẻ chân trắng chần chừ, thấp thỏm. Ông Út Thương, ở xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) nói: “Vừa đầu tư trải bạt, nuôi vụ đầu rớt giá, cũng phải thả nuôi tiếp chớ biết làm gì?”.
Ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn)- vua tôm Bạc Liêu cho hay, bà con nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ còn biết khóc vì rớt giá. Ông khuyên bà con nuôi tôm sú truyền thống, mật độ thưa, hiệu quả cao. Bà con nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ làm giàu cho nhà cung cấp vật tư, thức ăn, vi sinh…
Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN- PTNT Bạc Liêu nói: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được khuyến cáo từ Bộ Công Thương về cơ cấu giống tôm trước tình trạng tôm thẻ chân trắng rớt giá thê thảm hiện nay”. Đến năm 2020, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL là 650.000 ha, trong đó: Tôm sú là 560.000 ha; Tôm thẻ chân trắng là 90.000 ha.