Với chi phí đầu tư ban đầu lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể các khoản sửa chữa, nâng cấp hàng năm, karaoke được coi là một trong những loại hình dịch vụ cần nhiều vốn nhất.
Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực karaoke, ông Trần Văn Thiện - Giám đốc điều hành B3 Karaoke Luxury cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho một cơ sở kinh doanh karaoke nhỏ là khoảng 5-10 tỷ đồng.
Những cơ sở lớn với trang thiết bị và nội thất, thiết kế cao cấp có thể cần đến hơn 30 tỷ đồng.
Rót hàng chục tỷ đồng làm karaoke
Tại B3 Luxury, với quy mô 15 phòng hát phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp, chi phí đầu tư ban đầu là hơn 20 tỷ đồng, hoàn toàn được vay vốn ngân hàng.
Tương tự, chuỗi Kingdom đầu tư trung bình 17 tỷ đồng cho mỗi cơ sở. Đồng thời, hàng năm, khoản đầu tư mới để chỉnh trang phòng ốc lên đến khoảng 2 tỷ đồng.
Điểm kinh doanh có chi phí đầu tư ban đầu hơn 20 tỷ đồng của B3 Luxury. Ảnh: NVCC. |
Lý giải về số tiền đầu tư lớn này, ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc Marketing của Kingdom cho rằng đặc thù ngành dịch vụ karaoke đòi hỏi sự đầu tư lớn về mặt bằng, nhân viên và cơ sở vật chất.
Ngoài mặt bằng rộng rãi, sang trọng, nhân viên có thái độ phục vụ và kinh nghiệm xử lý vấn đề tốt, thì vật liệu và phương pháp cách âm trong mỗi phòng hát, cũng như thiết bị âm thanh, ánh sáng sẽ quyết định chất lượng dịch vụ.
Với những khoản đầu tư được coi là lớn nhất nhì trong các loại hình dịch vụ, ngành karaoke chịu tổn thất nặng nề trong gần 3 tháng đóng cửa vừa qua. Chia sẻ với Zing, ông Lê Hoàng Việt - đại diện chuỗi karaoke Nnice khẳng định thuê mặt bằng và trả lương nhân viên là 2 gánh nặng lớn nhất của đơn vị này.
"Mặt bằng giá nào cũng phải thuê, còn nhân viên thì phải hỗ trợ chi phí để đảm bảo số lượng làm việc ngay khi được mở cửa", ông nói và cho biết toàn hệ thống hiện có khoảng 450 nhân viên.
Đối với chuỗi Kingdom, ông Tạ Quang Hùng cho biết mất trung bình 10 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng, tương đương 30 tỷ đồng cho 3 tháng qua. Ngoài ra, hàng tháng, doanh nghiệp chi tổng cộng 1,5 tỷ đồng trợ cấp cho gần 400 nhân viên và duy trì mặt bằng.
Trong khi đó, tại các cơ sở kinh doanh karaoke nhỏ lẻ, do đội ngũ ít, đồng thời nhân sự và mặt bằng thường được tận dụng từ nguồn lực gia đình, lãi vay ngân hàng thường là gánh nặng lớn nhất.
"Số tiền lãi hàng tháng xấp xỉ vài trăm triệu đồng. Nếu không đảm bảo trả lãi vay được thì có thể bị đưa vào nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến các khoản vay về sau", ông Trần Văn Thiện nói. Do đó, trong 3 tháng qua, chủ đầu tư B3 Luxury phải vay mượn bạn bè, người thân để cầm cự.
Trong khi đó, chuỗi ICool lại chuyển sang bán cơm trưa văn phòng từ ngày 1/6, để bù đắp một phần doanh thu thiếu hụt và đảm bảo hỗ trợ 70% tiền lương cho đội ngũ nhân viên.
Sẽ giảm giá mạnh nếu được mở cửa trở lại
Với tình trạng hiện nay, các đơn vị đều mong muốn sớm được hoạt động trở lại. Trong đó, hệ thống Nnice và Kingdom đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng, xin phép được quay lại kinh doanh.
Mặc dù vậy, theo dự báo của các doanh nghiệp này, mức chi tiêu của người dân sẽ giảm sút hậu Covid-19. Điều đó không chỉ ảnh hưởng lượng khách đến quán, mà còn tác động tiêu cực đến doanh thu dịch vụ ăn uống - vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của ngành karaoke. Đơn cử, tại chuỗi Kingdom, việc phục vụ đồ ăn, thức uống cho khách hàng mang về 69% tổng doanh thu.
Theo ông Trần Văn Thiện, ngành karaoke có thể phải cần đến 3 tháng mới khôi phục được đà tăng trưởng như trước đây. Do đó, các cơ sở đang xây dựng chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng sau khi mở cửa trở lại. Riêng với Nnice, ông Lê Hoàng Việt cho biết sẽ bán các gói combo dịch vụ, đồng thời giảm trực tiếp hơn 50% giá giờ hát xuống còn khoảng 60.000-70.000 đồng/giờ.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã chuẩn bị sẵn phương án đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sát khuẩn thường xuyên các không gian và bề mặt, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang và liên tục thay bọc micro cho mỗi lượt khách.
Một cơ sở karaoke của Kingdom ở quận 1, TP.HCM đã đóng cửa gần 3 tháng. Ảnh: PC. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đánh giá, bản chất mô hình kinh doanh karaoke không có khả năng lây nhiễm cao như nhà hàng, quán bar. Lý do là khách hàng thường đi theo đoàn thân quen và sử dụng dịch vụ trong phòng kín. Đối tượng lạ duy nhất là nhân viên ở cơ sở karaoke đó.
Bởi vậy, miễn là các quán karaoke thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang của nhân viên và có thêm nhiều biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 cơ bản là có thể an toàn.
Trả lời chiều 2/6 về kiến nghị xin hoạt động lại của doanh nghiệp kinh doanh karaoke, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu và sớm báo cáo Thủ tướng về việc mở lại loại hình dịch vụ này.
“Tinh thần là ủng hộ việc mở lại hoạt động khi dịch đã được kiểm soát. Chúng ta phải rất thận trọng trong việc mở lại. Tuy nhiên, đề xuất mở lại sẽ dần đưa các hoạt động trở lại bình thường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, theo chủ trương của Chính phủ, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hàng loạt hoạt động trên địa bàn từ 18h ngày 15/3, trong đó có karaoke. Đến ngày 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại, tuy nhiên vũ trường và karaoke phải tiếp tục đóng cửa. Đến nay, loại hình này vẫn đang tạm dừng tại TP.HCM và nhiều địa phương khác.
(Theo Zing)