Cũng theo lời ông Diệp, khoản 200 triệu USD chi phí để phát triển mỗi một ví điện tử được tính trong vòng thời gian từ 18-24 tháng để có thể chiếm thị phần chi phối.
Nguyên nhân chi phí tăng cao – theo ông Diệp – là do sự cạnh tranh trong lĩnh vực fintech nói chung và trung gian thanh toán (payment) nói riêng tại Việt Nam đang diễn ra quyết liệt, đẩy các chi phí quảng bá, marketing để thu hút và giữ chân người dùng tăng gấp nhiều lần so với năm, ba năm về trước.
Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam đã có 29 giấy phép cho cổng thanh toán và ví điện tử, và cũng chỉ hoạt động chủ yếu là làm trung gian thanh toán, chưa phát triển đến dịch vụ tài chính như cho vay tiêu dùng…
Một số ngành tại Việt Nam hiện có tỉ lệ thanh toán điện tử cao như điện lực, với mức lên đến 70% tại TCty Điện lực TP.HCM và 49% đối với toàn ngành điện.
Tuy nhiên theo ông Diệp, hầu hết các ví điện tử hiện nay đều trong giai đoạn đầu tư và đang chịu lỗ. “Nếu chỉ cung cấp mỗi dịch vụ trung gian thanh toán sẽ khó giữ chân khách hàng. Vì thế, nhiều ví điện tử đã và đang cung cấp đa dịch vụ, hay nâng lên thành siêu ứng dụng (super app) để cung cấp nhiều tiện ích hơn nhằm giữ chân người dùng”, ông Diệp nói.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch thường trực CLB doanh nghiệp Fintech Việt Nam - trong cuộc trao đổi với báo chí sáng ngày 9.7 (ảnh: PK).
Theo ông, vấn đề cạnh tranh đáng lo ngại nhất hiện nay của các doanh nghiệp trung gian thanh toán Việt Nam trên “sân nhà” chính là các doanh nghiệp quốc tế như Grab, Go-Viet, Shopee… đều có ví riêng, có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt là tiềm lực tài chính lớn với các khoản vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD.
Ông Võ Trần Đình Hiếu, một thành viên của VietFintech đến từ Dragon Capital cho rằng, đầu tư vào các trung gian thanh toán tại Việt Nam hiện là cuộc đua đường dài chứ không thể ngắn hạn được, và mỗi fintech phải tìm hướng đi riêng để tồn tại.