Nhiều DN tồn kho trên 1.000 tỷ đồng
Báo cáo về thị thường bất động sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cho biết, tính đến cuối năm 2019, tổng lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó có tới 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo của KBSV cảnh báo, với đặc thù của việc đầu tư và kinh doanh bất động sản đòi hỏi lượng vốn lớn, các doanh nghiệp cần sử dụng đòn bẩy để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng dự án. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản là 0,55 lần.
Tính đến cuối năm 2019, tổng lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng 38% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2019, nhóm có hệ số nợ vay cao nhất là Tập đoàn Hà Đô (HDG) với hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu cao nhất là 1,8 lần, tiếp theo là Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI-1,6 lần) và Tập đoàn Novaland (1,4 lần). Đáng lưu ý, Văn Phú Invest và Novaland có tỷ trọng hàng tồn kho/tổng tài sản khá cao, tỷ lệ người mua đặt cọc thấp khiến các doanh nghiệp gặp áp lực trong việc trả nợ và lãi vay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thống kê về thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay cho thấy, doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn rất lớn.
Cụ thể, TP.HCM đang có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Qua khảo sát các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, hầu hết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng lo là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng. Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 Tập đoàn bất động sản có giá trị hàng tồn kho từ 4.200-7.397 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng có hàng tồn kho rất lớn.
“Hàng tồn kho bất động sản tăng đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Với hàng tồn kho do vướng mắc pháp lý, dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm thì doanh nghiệp chỉ chịu gánh nặng chi phí lãi vay ngân hàng. Còn với hàng tồn kho thành phẩm, hàng không bán được doanh nghiệp có thể phá sản”, ông Châu nói.
Nên giảm giá nhà, tăng chiết khấu
Trước những tác động của dịch bệnh tới thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, doanh nghiệp cũng nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian.
Cùng với đó, ông Châu khuyên doanh nghiệp cần “xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu; tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng”.
Theo ông Lê Hoàng Châu, để giảm khó khăn trong thời gian này, doanh nghiệp giảm giá nhà, tăng chiết khấu.
Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng dẫn khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế để doanh nghiệp bất động sản tham khảo cách ứng phó với dịch bệnh như: Chăm lo nhân viên; Xây dựng hệ thống quản trị (dựa trên cơ sở dữ liệu, tránh dựa trên cảm xúc) trên 3 cấp độ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Vận hành các đánh giá rủi ro; Tăng cường truyền thông ra bên ngoài; Đánh giá chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và cuối cùng là sử dụng thời gian chết hiệu quả.
Ông Châu cũng cho biết, HoREA cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch và chuẩn bị phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch như gia hạn thuế, không xử phạt các doanh nghiệp và các cá nhân nộp chậm quyết toán thuế; Mở rộng diện được miễn giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu tác động nặng nề của đại dịch, xem xét giảm lãi vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.