Ngày 14/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác trung ương đã đến thăm và làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang.
Tại buổi làm việc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất hoan nghênh và khen ngợi tinh thần đoàn kết của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
"Do đặc thù vị trí địa lý tỉnh Kiên Giang có ưu điểm vượt trội so với các tỉnh ĐBSCL. Kiên Giang như một nước Việt Nam thu nhỏ, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng đất, vùng biển được lợi thế tiếp giáp các nước Đông Nam Á. Đặc biệt có đảo Phú Quốc là một trong những hòn đảo đẹp bậc nhất thế giới, hiện nay vẫn còn nét hoang sơ", Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục phát huy hơn nữa những thế mạnh của mình, xem xét tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp, công nghệ cao bền vững. Sản phẩm đầu ra phải đạt chất lượng sạch, kêu gọi nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm theo hướng có lợi cho các bên.
Đồng thời, mở rộng nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, đánh bắt khai thác thủy sản xa bờ phải có sự quản lý chặt chẽ; mở rộng quy mô cụm, khu công nghiệp gắn sản phẩm và nguồn nhân lực với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tạo công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ chất lượng cao.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh Kiên Giang, phải chủ động đề ra kế hoạch ứng phó bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, xâm nhập nước biển. Bảo vệ vững chắc An ninh quốc phòng biển đảo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng trong thời điểm nắng hạn.
Báo cáo với Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,13%; thu nhập bình quân đầu người là 2.094USD, sản lượng lúa đạt 4,16 triệu tấn.
Đặc biệt, kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện. Công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường, đã hoàn thành phê duyệt và triển khai nhiều dự án, đề án nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản khai thác tốt lợi thế tiềm năng vốn có từ kinh tế biển góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ven biển, trên các đảo.
Theo ông Nghị, trong những năm qua, huyện Phú Quốc bùng nổ nhanh chóng về mọi lĩnh vực, trở thành động lực phát triển của tỉnh. Nhiều dự án về dịch vụ du lịch, khu vui chơi mang tầm cỡ quốc tế được các nhà đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng.
Đáng chú ý là từ năm 2016 - 2018, huyện Phú Quốc đóng góp nguồn ngân sách hơn 10.700 tỷ đồng. Riêng, năm 2018, lượng khách du lịch đến với Phú Quốc đạt 2,55 triệu lượt; về đầu mối giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế được tập trung đầu tư mạnh, tạo kết nối liên thông đã có sân bay cảng biển Quốc tế kết nối với các thành phố trong nước và Quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay Phú Quốc cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đề án đặc khu Phú Quốc, do chưa được Quốc hội phê duyệt, nên hiện tại thực hiện theo chính quyền cấp huyện. Vì vậy, UBND tỉnh Kiên Giang vừa trình Chính phủ phê duyệt đề án nâng huyện Phú Quốc lên thành phố Phú Quốc (thành phố loại 2, trực thuộc tỉnh Kiên Giang), nhằm giải quyết cấp bách thủ tục hành chính, giấy phép đầu tư và các mặt hoạt động khác còn nhiều bất cập, hạn chế.