Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNRAILWAYS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 1.567 tỷ đồng, giảm 35% so với quý 2/2019, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác cũng giảm hơn một nửa chỉ còn hơn 10 tỷ đồng nên sau khi trừ chi phí VNRAILWAYS lỗ sau thuế là 252 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 34 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Đường sắt Việt Nam có doanh thu 2.790 tỷ đồng, giảm 40% và lỗ sau thuế 309,5 tỷ đồng - Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất của VNRAILWAYS kể từ khi công bố các báo cáo tài chính.
Tuy nhiên con số lỗ trong nửa đầu năm 2020 vẫn chưa thấm vào đâu với kịch bản lỗ mà Đường sắt Việt Nam đã dự tính trong năm nay, theo đó doanh thu dự kiến sẽ bằng 77% trở lên so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến lỗ tới 1.394 tỷ đồng trong đó lỗ từ hoạt động SXKD là gần 712 tỷ đồng do 02 công ty cổ phần VTĐS Hà Nội và Sài Gòn đã tính đến ảnh hưởng từ dự án 7000 tỷ đồng và dịch Covid – 19 lỗ 618,3 tỷ đồng.
Công ty mẹ theo kế hoạch được Ủy ban Vốn phê duyệt đã tính một phần ảnh hưởng từ dự án 7000 tỷ đồng và chưa điều chỉnh theo ảnh hưởng từ dịch Covid – 19 dự tính lỗ 169,4 tỷ đồng; 20 Công ty CPĐS dự tính lãi gần 70 tỷ đồng; 03 CTCP khối công nghiệp, cơ khí dự tính lãi 4,8 tỷ đồng.
Được biết dự án 7000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt là dự án đường sắt nhằm phát triển hạ tầng đường sắt tuyến Bắc - Nam với tiêu chí thực hiện các công trình, hạng mục thiết yếu, ít phải GPMB, đảm bảo phát huy ngay hiệu quả nguồn vốn đầu tư; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến và dự kiến sẽ tăng năng lực thông qua 23-25 đôi tàu/ngày đêm; tốc độ tàu khách bình quân khoảng 80Km/h, tàu hàng khoảng 50Km/h.
Bên cạnh đó Đường sắt Việt Nam cho biết cũng trong năm 2020 còn phải xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng dự kiến hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là hơn 682 tỷ đồng trong đó có 341 tỷ đồng tiền thuê đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, 53 tỷ đồng chi phí lãi vay Ray Áo đến năm 2020, trích dự phòng phải thu khó đòi 108 tỷ đồng, đầu tư tài chính vào công ty con lỗ gần 121 tỷ đồng, chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo quy định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp là 58,8 tỷ đồng.
Mới đây vào ngày 30/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo tạm dừng chạy 11 tuyến tàu trên đường sắt Bắc Nam do nhu cầu hành khách đi tàu giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.