Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đối với nguồn ngân sách nhà nước chi hoạt động kinh tế để thực hiện nâng cấp, cải tạo đường ngang theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến nay được bố trí 930 tỷ đồng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện 627 đường ngang.
Trong thời gian tới, để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên triển khai thực hiện các công trình đường sắt theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, đối với các công trình nâng cấp, cải tạo đường ngang đã triển khai thực hiện nhưng chưa được bố trí vốn, đề nghị Bộ xem xét giao dự toán cho Tổng công ty để thanh toán khối lượng đã thi công với 10 công trình đường ngang, kinh phí là 6 tỷ đồng.
Đối với các công trình nâng cấp, cải tạo đường ngang theo kế hoạch trong giai đoạn 2020 - 2022, Tổng công ty Đường sắt đề nghị được bố trí tổng cộng 1.252,8 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2020, nâng cấp cải tạo 82 đường ngang biển báo còn lại với kinh phí 205 tỷ đồng; Sửa chữa, bổ sung tín hiệu đường ngang có gác tuyến Hà Nội - Tp.HCM là 450,1 tỷ đồng.
Năm 2021, sửa chữa, bổ sung tín hiệu đường ngang có gác tuyến Hà Nội - Tp.HCM còn lại; Gia Lâm - Hải Phòng kinh phí 293,6 tỷ đồng.
Năm 2022, sửa chữa bổ sung tín hiệu đường ngang có gác các tuyến: Hà Nội - Đồng Đăng; Yên Viên - Lào Cai; Bắc Hồng - Văn Điển; Đông Anh - Quán Triều; Chí Linh - Phả Lại… 304,2 tỷ đồng.
Về xây dựng hàng rào cách lý, đường gom, để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025 đóng hoàn toàn các lối đi tự mở, đảm bảo an toàn đường sắt, đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng và các Bộ ngành điều chỉnh tiến độ và bố trí kinh phí để đóng 2983 lối đi tự mở với kinh phí 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2020-2025.
Ngoài ra, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dự án xây dựng cầu để tách đường bộ khỏi cầu chung đường sắt cần kinh phí dự kiến là 800 tỷ đồng.
"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét, giải quyết", công văn nêu rõ.