Theo báo cáo của VIMC , năm 2022, doanh thu hợp nhất của tổng công ty ước đạt 15.041 tỷ đồng (đạt 120% kế hoạch). Trong đó, doanh thu khối vận tải biển ước đạt 4.619,7 tỷ đồng (tăng 50%), tương đương 1.544 tỷ đồng so với kế hoạch); doanh thu khối cảng biển ước đạt 6.613 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch) và doanh thu khối dịch vụ hàng hải ước đạt 2.173 tỷ đồng (tăng 13%, tương đương 242 tỷ đồng so với kế hoạch). Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 3.129,5 tỷ đồng (đạt 124% so kế hoạch năm 2022).
Thị trường vận tải biển hoạt động tốt từ năm 2021 đến nay.
Theo lãnh đạo VIMC, ngoài nguyên nhân thị trường vận tải biển phục hồi mạnh mẽ từ giữa năm 2021, tổng công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp trong hoạt động quản lý, điều hành hiệu quả của công tác tái cơ cấu mạnh mẽ trong những năm gần đây; tăng cường các biện pháp để giảm chi phí, giảm thời gian dừng tàu, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh…
Với khối vận tải biển , theo đánh giá từ phía VIMC, thị trường vận tải biển đối với cả nhóm tàu hàng khô, tàu container, tàu dầu năm 2022 về tổng thể là tương đối tốt so với những năm trước đây.
Thị trường tàu hàng khô và tàu container từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán ở mức tốt, tuy nhiên thời gian từ quý III thị trường đang suy giảm mạnh. Thị trường vận tải tàu dầu bắt đầu sôi động và tăng trưởng mạnh từ tháng 4/2022 đến nay và được xem là thời điểm sôi động nhất trong 10 năm trở lại đây.
Năm 2023, VIMC tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…