Trong báo cáo của SSI Research, doanh thu trong 5 tháng đầu năm 2018 của Tổng Công ty Idico (IDC) ước đạt 2.356 tỷ đồng, thực hiện 45% kế hoạch; lãi trước thuế ước đạt 268,4 tỷ đồng, tương đương 54% kế hoạch năm 2018.
Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, IDC đã thu hút 3 dự án mới từ 3 khách hàng mới và một dự án mở rộng từ các khách hàng hiện tại. Các dự án mới chiếm 15,12 ha - bao gồm 2,93 ha trong KCN Phú Mỹ 2, 10 ha ở KCN Phú Mỹ 2 mở rộng, và 2,15 ha ở KCN Quế Võ 2. Ngoài ra, IDC đang đàm phán với 6 khách hàng khác từ Pháp, Hà Lan và Đức để cho thuê 33 ha.
Nhu cầu xây dựng nhà máy trong KCN vẫn còn nhờ Việt Nam hút dòng vốn FDI
Chi tiết từng mảng tại Idico, tính tới tháng 5/2018, các KCN của IDC đã thu hút 176 khách hàng. Trong đó, 75% khách hàng là công ty FDI chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Úc hoạt động trong ngành Chế biến Chế tạo.
Diện tích có thể cho thuê còn lại của IDC là 941,2ha (41% tổng diện tích có thể cho thuê của IDC), và khoảng 65% tổng diện tích còn lại đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể, 316 ha tại khu công nghiệp Phú Mỹ II và Phú Mỹ mở rộng tại Vũng Tàu đã sẵn sàng cho thuê, trong khi khu vực còn lại ở Hữu Thành (Long An), Cầu Nghìn (Thái Bình) và Quế Võ 2 (Bắc Ninh) vẫn đang trong giai đoạn đền bù. IDC đặt kế hoạch thúc đẩy quá trình đền bù của KCN Hữu Thành và KCN Cầu Nghìn trong năm nay để có thể đi hoạt động từ năm 2019.
Do Chính phủ đã thống nhất quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đến năm 2020, nên không có KCN mới để phát triển ngoài các KCN đã nằm trong quy hoạch. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng nhà máy trong KCN vẫn còn nhờ Việt Nam hút dòng vốn FDI. SSI Research cho rằng IDC có thể khai thác quỹ đất hiệu quả trong ít nhất 5 năm tới. Với lợi thế vị trí quỹ đất lớn nằm gần các cảng chiến lược, các KCN của IDC tại Vũng Tàu - Long An dự kiến sẽ thu hút thêm khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung các KCN tại Tp.HCM không còn nhiều. Hiện tại, giá cho thuê do IDC cung cấp dao động từ 50-80 USD/m2 (trong 40-50 năm), tăng khoảng 6-7% so với giá thuê trung bình năm 2017.
Thủy điện tích cực nhờ tăng giá và gánh nặng nợ giảm
Về Nhà máy thủy điện (chiếm 10% tổng lợi nhuận ròng), SSI Research đánh giá triển vọng tích cực nhờ tăng giá và gánh nặng nợ giảm. Cụ thể, các nhà máy thủy điện thường hoạt động với chi phí thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện. Điều này là do chi phí bảo trì thấp hơn cũng như chi phí nhân công thấp của các nhà máy này. Do đó, các nhà máy thủy điện thường dễ trúng thầu hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) khi lượng mưa ở mức thuận lợi. Theo Bộ Công Thương, giá trần trên thị trường CGM có thể đạt 1.280 đồng/kwh vào năm 2018, cao hơn 1,1% so với giá trần CGM trong năm 2017.
Thực tế, giá bán điện tăng phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 1/2018 tại nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng - ISH (51% cổ phần) và dự án nhà máy thủy điện Đak Mi 3 (100% cổ phần), như IDC công bố trên website.
Trong đó, đối với nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng, sản lượng trong quý 1/2018 tăng 32% so với cùng kỳ lên 34,5 triệu kWh tạo ra 37,45 tỷ đồng doanh thu (tăng 37%), tương đương với mức giá 1.085,5 đồng/kWh, cao hơn 2,9% so với giá trong quý 1/2017.
Đối với nhà máy thủy điện Đak Mi 3, sản lượng trong quý 1 năm 2018 đạt 54 triệu kWh và tạo ra 61 tỷ đồng doanh thu, tương đương với mức giá 1.129,6 đồng/kWh. Nhà máy này đã bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2017.
Kể từ năm 2018, lợi nhuận ròng các nhà máy thủy điện ước tính tăng nhờ: (1) nhà máy thủy điện Đăk Mi 3 hoạt động cả năm thay vì chỉ gần hai quý như 2017; (2) nợ từ nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng (51% cổ phần) ước tính được trả phần lớn hoặc toàn bộ vào năm 2019, giúp tối ưu lợi nhuận cho nhà máy này. Cần lưu ý rằng chi phí lãi vay là chi phí chính của nhà máy thủy điện, SSI Research nhấn mạnh.
Mặt khác, IDC cũng sẽ ghi nhận tòa nhà cuối của dự án chung cư Tân Phú Idico trong năm nay với lợi nhuận ròng khoảng 50 tỷ đồng. Do IDC tập trung vào các dự án nhà ở cho người lao động làm việc trong các KCN, lợi nhuận trong phân khúc này không cao. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng mảng này sẽ là động lực tăng trưởng chính cho IDC trong tương lai.
Về IDC, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh KCN, hiện Công ty đang có 13 dự án với tổng diện tích đạt 5,872 ha, tổng vốn đầu tư Công ty chạm mức 18,000 tỷ đồng. Một số KCN IDC sở hữu như: Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 5 (Đồng Nai); Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân B1, Phú Mỹ II (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kim Hoa (Vĩnh Phú)…
Theo SSI Research, kể từ ngày niêm yết vào cuối năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài không thể mua IDC trên Upcom, vì tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ được giới hạn ở mức 49% trong tổng số 55 triệu cổ phiếu đã bán thông qua đấu giá công khai. Vào tháng 7/2018, Công ty đã nộp đơn cho Ủy ban Chứng khoán để niêm yết tất cả các cổ phiếu đang lưu hành (300 triệu cổ phiếu) trên Upcom, thay vì chỉ 55 triệu cổ phiếu như hiện tại. Sau khi hoàn tất thủ tục, tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ tính lại ở mức 49% trên 300 triệu cổ phiếu.
Dựa vào kế hoạch kinh doanh của IDC, SSI Research ước tính EPS 2018 là 1.468 đồng và EPS 2019 là 1.746 đồng, tương ứng với mức PE 2018 & 2019 dự phóng lần lượt là 14,1x và 11,9x dựa trên mức giá hiện tại là 20.700 đồng/cp.
Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2020
Một nội dung đáng quan tâm khác, sau đợt thoái vốn của Nhà nước đợt đầu vào năm 2017, Tập đoàn Bitexco và SSG là nhà đầu tư chiến lược cùng nắm giữ 45% cổ phần của IDC. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm từ 100% xuống còn 36%. Theo IDC, Nhà nước có kế hoạch thoái toàn bộ cổ phần còn lại vào năm 2018.