Ông Phạm Việt Hà (bên phải)- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước).
Được biết, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có kế hoạch mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc để đảm bảo dự trữ lương thực quốc gia, hiện nay kế hoạch thực hiện như thế nào, có khó khăn gì trong việc đảm bảo tiến độ không, thưa ông?
- Đến nay, trong tổng số 190.000 tấn gạo tổ chức đấu thầu, chúng tôi mới ký hợp đồng được 7.700 tấn, còn lại 182.300 tấn không ký được hợp đồng và phải tổ chức đấu thầu lại (bao gồm 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu và 170.300 tấn nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng).
Đối với số lượng gạo nhà thầu từ chối ký hợp đồng, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang thực hiện các thủ tục thu bảo đảm dự thầu của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu để nộp Ngân sách Nhà nước.
Đối với kế hoạch mua thóc dự trữ, căn cứ vào thời vụ thu hoạch lúa năm 2020 tại các vùng, miền trong cả nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao chỉ tiêu kế hoạch để các Cục Dự trữ Nhà nước tổ chức thực hiện, thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 8/2020.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu lại để mua đủ gạo tạm trữ theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: I.T
Từ trước đến nay, rất nhiều doanh nghiệp luôn bày tỏ mong muốn được tham gia các hợp đồng mua gạo phục vụ dự trữ lương thực quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng sau đó lại từ chối ký hợp đồng. Tại sao lại có việc này, thưa ông?.
- Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như báo cáo của 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các doanh nghiệp, nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao.
Trong những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đi các nước Philippines, Malaysia, Trung Quốc... tăng mạnh, dẫn đến thị trường giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động (nhất là đối với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia).
Giá gạo liên tục tăng kể từ thời điểm các nhà thầu tham dự thầu (ngày 12/3/2020) so với thời điểm có thông báo kết quả trúng thầu (trong thời điểm từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020) nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng.
Với những doanh nghiệp từ chối không ký hợp đồng thì có vi phạm Luật Đấu thầu không, và phương án xử lý với những doanh nghiệp vi phạm này của Tổng cục Dự trữ Nhà nước như thế nào?.
- Đối với các doanh nghiệp trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Luật Đấu thầu các doanh nghiệp vi phạm này sẽ bị thu bảo đảm dự thầu (từ 1% đến 3% giá gói thầu tùy theo quy mô, giá trị từng gói).
Với tình hình thị trường và giá gạo đang tăng cao như hiện nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có giải pháp gì để đảm bảo mua đủ lượng gạo dự trữ, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang khẩn trương triển khai tiếp các thủ tục để tổ chức đấu thầu mua số lượng gạo còn lại; việc tổ chức triển khai đấu thầu bảo đảm tuân thủ theo đúng thời gian, quy trình, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hiện nay, Tổng cục đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu để các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tổ chức đấu thầu lại theo đúng quy trình, quy định của luật Đấu thầu; thời gian phát hành hồ sơ mời thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 17/4/2020; thời gian mở thầu ngày 12/5/2020, dự kiến thời gian hoàn thành nhập gạo trong tháng 6/2020.
Việc mua gạo dự trữ quốc gia để bảo đảm an ninh lương thực hằng năm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dự trữ Nhà nước, do đó Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quán triệt đến các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện để phấn đấu mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong kế hoạch mua gạo dự trữ của Tổng cục có gạo nếp không?
- Theo quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia và Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này quy định: Danh mục hàng DTQG đối với mặt hàng lương thực bao gồm thóc tẻ và gạo tẻ, không liên quan đến gạo nếp.
Xin cảm ơn ông!
Vinafood 1 trúng thầu 4.500 tấn gạo dự trữ nhưng không ký hợp đồng Theo Tổng cục Hải quan, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4 đã phát hiện nhiều doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng lại hủy hoặc từ chối ký hợp đồng. Đơn cử, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trúng thầu 4.500 tấn gạo nhưng đến nay chưa ký hợp đồng mà lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ quốc gia và cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. Ngoài ra có hai đơn vị là Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn gạo. Trong khi đó, cả hai doanh nghiệp này đều trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng cũng chưa ký hợp đồng. |