Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là đến hạn chót phải thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Theo đó, quy định trước ngày 1/7/2021 quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Tuy nhiên, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị lùi thời hạn áp dụng quy định này. Tổng cục Đường bộ vừa có quyết định tạm "hoãn" thời gian xử phạt hành chính với những doanh nghiệp vận tải không lắp camere để giám sát lái xe và hành khách từ 1/7 tới.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2021, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 103.4436 nghìn tấn, tăng 2,9% so với tháng 4/2021 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020, lượng luân chuyển hàng hoá là 7.710 triệu Tkm, tăng2,5% so với tháng 4/2021 và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 265.810 nghìn hành khách, giảm 15,1% so với tháng 4/2021 và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020, khối lượng luân chuyển hành khách đạt 9.874 triệu hành khách giảm 12,5% so với tháng 4/2021 và tăng 4,4 so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, do ảnh hưởng của đở bùng phát dịch lần thứ 4, trong tháng 5/2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động vì dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021.Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM và một số địa phương có tuyến vận tải khách cố định đi đến địa phương này.
Do đó, để tiếp tục thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP và đồng hành tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong giai đoạn dịch COVID-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT một số nội dung. Cụ thể, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Tổng cục Đường bộ cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lê, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP để góp phần tăng cường theo dõi, giám sát người lái xe bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và Bộ ngành có liên quan cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó bới dịch COVID-19 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư số 74/2020/TT-BTC ngày 10/8/2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đến hết ngày 31/12/2021.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp cho biết, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn, doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) đánh giá, bất cập của quy định gồm, thứ nhất, quy định này trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trìn. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau.
Bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn của lái xe. Do đó, có thể thấy, việc yêu cầu lắp camera tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thứ hai, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Theo phản ánh của một số hiệp hội vận tải, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã lắp camera để phục vụ cho hoạt động quản lý doanh nghiệp. Các camera này có nguy cơ phải tháo ra để lắp camera mới để đảm bảo khả năng truyền dẫn dữ liệu. Việc này sẽ gây lãng phí lớn về tài sản cho doanh nghiệp.
Thứ ba, khó trong thực hiện. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn về việc lắp camera do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn loại camera để lắp và truyền dẫn theo quy định.
Khó khăn không chỉ về phát sinh kinh phí lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp vận tải đang "thoi thóp" mà nhiều doanh nghiệp muốn chấp hành quy định cũng băn khoăn quy chuẩn thiết bị camera, quy cách lắp cũng như cách thức truyền dữ liệu.