Trong công văn do ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ký nêu rõ, đối với các lô hàng nếp được hệ thống phân luồng Đỏ, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục hải quan không thực hiện kiểm tra thực tế mà căn cứ Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu do cơ quan kiểm dịch cấp hoặc Giấy chứng nhận khử trùng do tổ chức có chức năng được chỉ định cấp, trong đó có xác định chủng loại gạo để thông quan.
Để tránh xảy ra gian lận, Cục hải quan các tỉnh, thành phố cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý kịp thời.
Tổng cục Hải quan tiếp tục có công văn hướng dẫn việc xuất khẩu gạo nếp. Ảnh: I.T
Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 2571/TCHQ-GSQL ngày 22/4/2020 hướng dẫn việc đăng ký tờ khai xuất khẩu nếp; và đã thiết lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu các lô hàng nếp (bao gồm gạo nếp, thóc nếp và tấm nếp) từ 0 giờ 00 phút ngày 23/4/2020.
Theo Bộ NNPTNT, vụ hè thu 2019, tỉnh Long An gieo trồng khoảng 64.000 ha, sản lượng ước 305.000 tấn lúa nếp, tương đương 183.000 tấn gạo nếp. Tại tỉnh An Giang, diện tích gieo trồng khoảng 27.000 ha, sản lượng ước 155.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 93.000 tấn gạo nếp.
Trong vụ Thu Đông 2019, tỉnh An Giang gieo trồng khoảng 18.000 ha; sản lượng ước 108.000 tấn lúa nếp, tương đương 65.000 tấn gạo nếp.
Sang vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Long An gieo trồng khoảng 65.000 ha, sản lượng ước 430.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 258.000 tấn gạo nếp.
Tỉnh An Giang gieo trồng khoảng 44.000 ha; sản lượng ước 325.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 195.000 tấn gạo nếp.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cũng cho biết, xuất khẩu gạo nếp chủ yếu hướng đến thị trường Trung Quốc, một phần qua Thái Lan, Campuchia.