Theo đó, điểm mấu chốt được nêu ra là dự án có diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, theo quy định tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực bãi sông Chi Nam – Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có thể nghiên cứu xây dựng. Tuy nhiên, dự án có diện tích xây dựng không được vượt quá 5% diện tích bãi sông (tổng diện tích bãi sông ở khu vực Chi Nam- Đình Tổ là 281ha), tức là không quá 14,05ha.
Làm sân golf ngoài đê, rủi ro bị ngập rất cao
Trong công văn gửi Báo điện tử Dân Việt, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Trong thời gian vừa qua, một số bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng được UBND các tỉnh/thành phố đề xuất sử dụng để khai thác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nói chung và việc xây dựng sân golf nói riêng.
Theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016: Để đảm bảo thoát lũ, không gian thoát lũ được xác định bao gồm khu vực lòng sông, bãi sông nằm giữa 2 tuyến đê.
"Địa điểm dự định làm sân golf quốc tế Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trên khu vực bãi sông (phía ngoài đê hữu Đuống) nằm ngoài hành lang bảo vệ đê, nằm trong không gian thoát lũ. Tuy nhiên, khu vực bãi sông này thuộc Danh mục các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng (phụ lục V, Quyết định 257/QĐ-TTg)" – ông Phạm Đức Luận- Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục PCTT) nêu rõ.
Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030, đê sông Đuống đảm bảo an toàn chống với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 300 năm (tần suất 0,33%). "Lũ tần suất 300 năm là con lũ lớn nhất để xác định mực nước lũ, lưu lượng lũ thiết kế hệ thống đê, tức là chiều cao đê phải chống được lũ đó. Với mức nước lũ này thì khu vực ngoài bãi sông ngập sâu 3-4m" - ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ quản lý đê điều giải thích.
Cũng theo ông Luận, làm sân golf ở bãi sông Chi Nam – Đình Tổ xác suất bị ngập lũ là rất cao, vì khu vực bãi sông này có cao trình chỉ cao hơn báo động 1, thấp hơn báo động 2. "Với mực nước tương ứng báo động 2 thì là lũ nhỏ, với tần suất có chu kỳ lặp lại mấy chục năm thôi, khi đó bãi sông ngập hết" – ông nói và cho biết năm 2002 đã xảy ra trận lũ lớn đã gây ngập sâu khu vực bãi sông trên toàn hệ thống đê sông Hồng và sông Thái Bình, kể cả bãi sông Đuống khu vực Thuận Thành, Bắc Ninh trong thời gian nhiều ngày.
Không được xây dựng vượt quá 5% bãi sông
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để công trình được phép xây dựng, dự án phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời phải tuân thủ các quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều. Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng các công trình quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Đê điều trình Bộ NN&PTNT thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, dự án phải tuân thủ theo Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/12/2016; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, dự án cần tuân thủ các quy định của pháp luật khác có liên quan về tài nguyên, xây dựng, môi trường, giao thông…
Theo hồ sơ Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành, tổng diện tích dự kiến sử dụng đất là 98ha, bao gồm các hạng mục: Sân golf có diện tích 70ha (71,4%), Club House 1,8ha (1,8%), học viện golf 1,4ha (1,4%), kho xưởng, trạm xử lý nước thải 1ha (1%); cây xanh, hồ, cảnh quan chung 20ha (20.4%); đường sá, giao thông 3,8ha (3,9%). Tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng.
Vấn đề đặt ra là, với mật độ xây dựng như trên liệu có vi phạm quy định tại Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay không? Quyết định số 257/QĐ-TTg quy định rõ, diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông.
Tại phụ lục V, Quyết định 257/QĐ-TTg, khu vực bãi sông Chi Nam – Đình Tổ ở vị trí K19 500 – K26 000 có tổng diện tích 281ha. Như vậy, theo quy định, diện tích xây dựng ở bãi sông này không vượt quá 14,05ha. Trong khi đó, dự án này đang được trình để xây dựng trên diện tích tới 98ha.
"Khi lập quy hoạch, đơn vị tư vấn đã phải thực hiện tính toán thủy văn, thủy lực toàn hệ thống và xác định các khu vực bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng; nếu xây dựng 5% thì không ảnh hưởng lớn đến thoát lũ. Tuy nhiên theo quy định, việc xây dựng 5% nếu không đáp ứng được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều thì cũng không được chấp thuận" - ông Phạm Đức Luận giải thích về quy định diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông.
Vậy 5% diện tích xây dựng cụ thể là thế nào, bản thân sân golf có phải là "diện tích xây dựng" hay chỉ tính các công trình xây dựng cụ thể như nhà cửa? Trả lời câu hỏi này, ông Luận cho biết: "Ngoài diện tích 5% bãi sông được nghiên cứu xây dựng, các hoạt động như đào xuống hay đắp lên đều được coi là hoạt động xây dựng. Bãi sông đang phẳng thế thì không có vấn đề gì, nhưng anh đào, đắp lên thành cái đồi thì đương nhiên nó cản trở thoát lũ".
Trong khi đó, dân cư sống ở khu vực trong đê bảo vệ ngày càng đông, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu chống lũ và vai trò của hệ thống đê phải ngày càng cao hơn để đáp ứng yêu cầu. Chính vì thế, quy định về việc sử dụng bãi sông hết sức chặt chẽ theo quan điểm đáp ứng yêu cầu trước mắt, dành điều kiện cho sự phát triển trong tương lai và ứng phó với những bất thường chưa lường hết được.
Trong Quyết định 257/QĐ-TTg nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực đê sông Đuống đảm bảo an toàn với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 500 năm (tần suất 0,2%). Đây là mức tương ứng với khu vực đô thị trung tâm Hà Nội phía hữu ngạn sông Hồng (trong phạm vi đường vàng đai IV) giai đoạn đến năm 2030.
Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã ý kiến đối với Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tại các văn bản số 8719/BNN-KH ngày 16/10/2017 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, số 06/BNN-KH ngày 02/01/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại văn bản số 06/BNN-KH, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến để UBND tỉnh Bắc Ninh rà soát nội dung đề xuất của Dự án, đảm bảo sự phù hợp thực hiện Dự án với quy định pháp luật và các văn bản liên quan đến đề điều, phòng chống lũ.
Đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão thì không được phép sử dụng xe cơ giới
Hàng năm trước mùa lũ bão, các địa phương có đê đều tổ chức thực hiện việc đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, xác định các trọng điểm xung yếu về đê điều và xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ.
Phương án bảo vệ trọng điểm được xác định trên phương châm "4 tại chỗ", trong đó có xác định cụ thể các loại vật tư tại chỗ như đất, đá hộc, rơm, rạ, phên tre, nứa,… để sẵn sàng hộ đê. Ở đây, đất đắp đê được dự trữ tại những vị trí cụ thể hoặc tại những bãi đất dự phòng ở nơi khô ráo, có đường vận chuyển thuận lợi để có thể khai thác, sử dụng ngay trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Việc sử dụng mặt đê để kết hợp giao thông được quy định cụ thể và giới hạn tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê đối với từng tuyến đê. Đối với tuyến đê hữu Đuống, giới hạn tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê là 12 tấn.
Tuy nhiên, khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão thì không được phép sử dụng xe cơ giới đi trên trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa. Trong mùa mưa lũ, các địa phương thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ đối với xe cơ giới đi trên đê.