Tại buổi họp sáng nay (15/9), Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã bàn bạc với Tổng cục quản lý thị trường cách để nhận diện và ngăn chặn phương thức mới này.
Liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng lậu được vận chuyển qua đường bưu chính
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong vận chuyển hàng lậu với quy mô lớn. Cơ sở nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 100.000 sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác. Số hàng hóa này được đóng trong các thùng các-tông, bao tải, túi ni lông, bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng, đang tập kết tại cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát.
Kho hàng của cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong.
Ngày 7/7, cơ quan chức năng cũng phát hiện kho hàng lậu 10.000m2 tại Lào Cai. Theo thông tin ban đầu, cơ sở này livestream bán được vài chục nghìn đơn hàng mỗi tháng, doanh thu hàng chục tỷ đồng/tháng. Hình thức vận chuyển cho khách cũng là chuyển phát nhanh.
Bưu kiện vận chuyển qua bưu chính ít khi bị kiểm tra
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ngày càng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 , mọi người hạn chế ra ngoài, sẽ tăng cường mua sắm qua mạng. Cùng với việc này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, thương mại điện tử dễ dàng là kênh buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
"Chắc khoảng 3-5 năm nữa, một nửa lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra, bắt trên mạng mất", ông Linh chia sẻ.
Về việc các đối tượng dùng kênh bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, ông Linh cho rằng đây là một kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng. Một số kho hàng lậu khi phát hiện, có cả xe của bưu chính đỗ tại cửa kho, nhân viên bưu chính mặc áo đồng phục, lấy hàng và chỉ cần 1 phiếu giao hàng rồi vận chuyển đi khắp nơi.
"Lực lượng quản lý thị trường hay công an, nhìn thấy xe của các hãng bưu chính, ít khi dừng để kiểm tra. Vì do luật bưu chính cũng có những cản trở nhất định trong việc giám sát. Chính vì điều này, các đối tượng đã lợi dụng kênh vận chuyển này để vận chuyển hàng giả, hàng lậu, thậm chí hàng cấm", ông Linh nói thêm.
Bưu kiện gửi qua bưu chính thì không ai biết trong đấy có gì
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết hiện nay có quá nhiều đơn vị được cấp phép làm dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh. Khi gửi qua bưu chính, chỉ cần 1 phiếu giao nhận, thậm chí các đơn vị vận chuyển hành khách cũng có thể giao hàng.
Nhiều mặt hàng được gửi qua bưu chính còn được người gửi bọc dán niêm phong, kẹp chì kỹ càng, do vậy gây khó cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra.
"Grab cũng được phép làm bưu chính. Ví dụ, tôi đặt giao hàng qua điện thoại, 1 nhân viên Grab nhận gói hàng và chuyển cho người nhận. Vậy trong cái bọc đấy chứa cái gì, chứa hàng giả, lậu, thậm chí thuốc nổ hay ma túy, cũng không có ai chịu trách nhiệm. Vì theo luật bưu chính, đơn vị vận chuyển không phải chịu trách nhiệm, người gửi phải chịu trách nhiệm. Trong khi địa chỉ của người gửi ở trên tờ giao nhận chỉ ghi chung chung, hoặc thậm chí sau khi xác minh địa chỉ còn không có thật", ông Lê chia sẻ.
Nhiều mặt hàng được gửi qua bưu chính còn được người gửi bọc dán niêm phong, kẹp chì kỹ càng, do vậy gây khó cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra. Nếu muốn kiểm tra, hàng hóa phải đưa về kho của đơn vị vận chuyển, có các bên cùng mở hàng. Do vậy, các ý kiến trong buổi họp đều cho rằng cần thiết phải có quy định chặt chẽ cho loại hình buôn bán qua thương mại điện tử.
Coi bán hàng qua mạng như bán hàng truyền thống
Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định thay thế nghị định 52 quản lý về thương mại điện tử. Dự kiến tháng 11 năm nay sẽ trình Chính phủ và đầu năm 2021 sẽ chính thức ban hành. Dự thảo nghị định có có tăng thẩm quyền và thay đổi phương thức quản lý đối với các mô hình thương mại điện tử.
Cơ sở livestream hàng lậu thu về mỗi tháng hàng chục tỷ đồng tại Lào Cai.
"Sẽ coi việc bán hàng trên mạng cũng như bán hàng truyền thống. Hiện nay quy định bán hàng trên mạng vẫn còn lỏng hơn so với bán hàng truyền thống. Ví dụ bán 1 chai nước ở ngoài, phải có tem, nhãn phụ, xuất xứ. Nhưng bán trên mạng, chưa có quy định gì cả. Dự thảo nghị định đã điều chỉnh và bổ sung quy định các phương thức quản lý kinh doanh trên mạng rõ hơn", ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Ngoài ra, hiện nay Tổng cục quản lý thị trường cũng đã thành lập 1 nhóm cán bộ chuyên về giám sát, kiểm tra các hành vi buôn bán qua thương mại điện tử. Tổng cục cũng xác định chống buôn lậu, hàng giả qua thương mại điện tử là mặt trận mới nóng bỏng, cần phải có phương án bài bản nghiêm túc trong thời gian tới.
Sẽ có phương thức nhận diện đấu tranh với hàng giả qua thương mại điện tử
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của vấn nạn lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, bán hàng giả, gian lận thương mại, hiện nay Văn phòng thường trực đang tập hợp và tham mưu cho BCĐ 389 Quốc gia, xây dựng kế hoạch để nhận diện đấu tranh ngăn chặn tình trạng này. Hiện Văn phòng thường trực vẫn đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan và sẽ trình trưởng ban xem xét và ban hành trong thời gian tới.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia.
"Chúng ta phải có cách nhận diện để sớm ngăn chặn được tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu qua kênh thương mại điện tử, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính", ông Thế cho hay.
8 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện, xử lý trên 56.090 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 177.7 tỷ đồng.
Riêng tháng 8/2020, phát hiện, xử lý là 11.302 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 16,4 tỷ đồng.