Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 34/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ quản lý thị trường (QLTT). Những hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm trị.
Việc thành lập Tổng cục QLTT sẽ không gây nhiều xáo trộn.
“Bộ Công Thương xác định, trong tổ chức mới của Tổng cục QLTT, công tác về cán bộ, phẩm chất cán bộ là yêu cầu đầu tiên được quan tâm hàng đầu đảm bảo điều kiện tiền đề, giúp lực lượng QLTT hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng địnhCụ thể, những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng QLTT cũng như trong một bộ máy mới trong tổ chức bộ máy Bộ Công Thương.
Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), Tổng cục QLTT có 6 đơn vị (giảm 45,5% so với con số 11 đơn vị như trong đề án thành lập) gồm 4 vụ, 1 cục và Văn phòng Tổng cục. Tổng cục QLTT sẽ không có tổ chức cấp phòng trong Vụ, Cục và các Đội.
Tại cấp địa phương, lực lượng QLTT cấp tỉnh thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giảm từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục QLTT cấp tỉnh thành Cục QLTT liên tỉnh. 38 Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 19 Cục QLTT liên tỉnh (tương đương giảm 30%).
Đối với lực lượng QLTT cấp huyện sẽ tiến hành tinh giảm tổ chức bộ máy theo lộ trình sắp xếp lại các Đội QLTT cấp huyện thành các Đội QLTT liên huyện theo mục tiêu giảm 305 đội (giảm 45%) từ 2018-2020.
Với cấp cục, để đảm bảo không gián đoạn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính, với chức danh Tổng Cục trưởng sẽ báo cáo Ban cán sự tạm thời giao quyền Tổng Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng từ nay đến 12/10 đến khi Quyết định 34 có hiệu lực.
Liên quan tới kinh phí sau khi bàn giao và tiếp nhận tài sản của Tổng cục QLTT, ông Vũ Quốc Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, các cơ quan QLTT ở địa phương tiếp tục sử dụng kinh phí đã được cấp đến hết năm ngân sách 2018 và quyết toán với ngân sách địa phương; thực hiện khoá sổ kế toán, đối chiếu kinh phí đến thời điểm 31/12/2018. Bộ Công Thương tiếp nhận kinh phí 0 đồng kể từ ngày 1/1/2019.
Về việc triển khai xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Công Thương đã có công văn hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2019 và giai đoạn 2019-2020 để Bộ kịp thời tổng hợp dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2019 và giai đoạn 2019-2020 của Tổng cục QLTT theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
“Bộ Tài chính đang giục Bộ Công Thương sớm có phương án tài chính cho Tổng cục QLTT vì dự kiến ngân sách dành cho lực lượng này chiếm gần 50% ngân sách cấp cho Bộ Công Thương”, ông Vũ Quốc Anh nói./.