TCTK vừa công bố số liệu kinh tế - xã hội quý 1 năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về tình hình tăng trưởng quý này?
Tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2020 đạt 3,82%, mức tăng thấp kỷ lục so với cùng kỳ trong vòng 10 năm trởlại đây (2010-2019) với sự sụt giảm tăng trưởng của cả ba khu vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Xét về góc độ sử dụng GDP quý 1 năm 2020, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,07%, thấp hơn 4,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu dùng của nhà nước tăng 4,83%, tiêu dùng của hộ dân cư tăng 2,92%; các mức tăng này đều thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2011-2019.
Tích lũy tài sản tăng 2,2% chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm năm 2011, thấp hơn tất cả các năm còn lại tính từ năm 2011 tới nay. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%, cho thấy rõ sự ngừng trệ trong việc cung ứng hàng hóa và nguyên vật liệu trong 3 tháng đầu năm.
Trong bức tranh tăng trưởng quý 1, chỉ có một số ngành dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như tài chính ngân hàng, bảo hiểm; thông tin truyền thông; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Đó là những mảng sáng giúp nền kinh tế tạm thời thoát khỏi nguy cơ đóng băng.
Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian gần đây, theo ông, nền kinh tế những quý tới sẽ như thế nào?
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cơn "bão lốc" cực mạnh cho nền kinh tế thế giới, quét sạch những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia được tích lũy qua nhiều năm trước đây.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, hao tài, hao lực, chưa kể đến những khó khăn kinh tế vốn tiềm ẩn từ năm 2019 như tăng trưởng thấp, nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn, lãi suất thấp… Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng xoáy "bão lốc" này khi cả nước cũng đang trong giai đoạn căng thẳng, mọi nguồn lực xã hội đều được huy động tối đa để phòng dịch và dập dịch.
Hoạt động kinh tế trong nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động đa chiều của đại dịch COVID-19. Các ngành kinh tế chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều giảm sâu như ngành sản xuất trang phục, giảm 3% trong quý 1, mức suy giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Các ngành khác như ngành sản xuất da, giày, điện tử và linh kiện điện tử, sản xuất sắt thép, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và các sản phẩm... đang phải cắt giảm sản xuất do nguồn cung nguyên liệu bị cắt đột ngột.
Hiện nay, tuy chưa rơi vào vùng giảm sâu do các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất cầm chừng từ nguồn nguyên, nhiên, vật liệu tồn kho đã được chuẩn bị từ trước cho các đơn hàng đã được ký kết nhưng đến đầu tháng 4, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đã cạn, không thể ký kết hợp đồng mới, không thể xuất khẩu hàng hóa do dịch bệnh bùng phát ở khắp các châu lục khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tạm ngưng hoạt động xuất, nhập khẩu. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài sang quý 2, hoạt động công nghiệp chế biến của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu, đặc biệt ở các ngành dệt may, da giày, điện tử, sắt thép; sản xuất xe có động cơ…
Dịch COVID-19 cũng ngăn cản luồng vốn đầu tư trên thế giới nên cũng có tác động đến hoạt động xây dựng ở Việt Nam khi có rất nhiều các công trình xây dựng được thực hiện theo hình thức hợp tác đầu tư với nước ngoài. Đầu tư công vốn đã bị hạn chế thì nay càng khó khăn hơn khi các nguồn lực xã hội đang được ưu tiên huy động để phòng chống dịch bệnh. Tình trạng thiếu hụt lao động, thiếu vốn sản xuất làm tiến độ thi công các công trình bị chậm lại, bao gồm cả những công trình đang bước vào giai đoạn hoàn thành, bàn giao.
Phản ứng của thế giới đã làm hoạt động thương mại, vận tải, du lịch, dịch vụ toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. Hàng loạt các đơn hàng dệt may và giầy dép bị huỷ do hai thị trường xuất khẩu chủ chốt của ngành dệt may (EU và Hoa Kỳ) tạm ngưng nhập hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam từ ngày 18/3/2020.
Việc đại dịch COVID-19 lây lan mạnh ra bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Hàn Quốc; Nhật Bản; EU và Hoa Kỳ là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng. Lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hàng không cũng đang phải chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID do nhu cầu đi lại giảm sút, nhiều đường bay quốc tế bị dừng khai thác, sân bay bị phong tỏa tạm thời. Hoạt động lưu trú, ăn uống giảm sâu tới mức chưa từng xảy ra trong hơn 30 năm trở lại đây. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý 1/2020 giảm trên 18% (trong đó tháng 3 giảm khoảng 64%, mức giảm sâu nhất trong nhiều năm nay).
Trước tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh COVID-19, kịch bản tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Hoạt động sản xuất và đầu tư trong nước có thể khôi phục được sớm hay muộn phụ thuộc nhiều vào kết quả dập dịch của Việt Nam. Ngay sau khi công bố dập tắt dịch, các hoạt động vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động thương mại, vui chơi giải trí có thể khởi động ngay; các hoạt động xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo có thể tiến hành sản xuất ngay nhưng chưa thể tăng tốc ngay.
Bởi cần có thời gian để tích lũy đủ nguồn lực nhất là trong bối cảnh nguồn lực sản xuất của các ngành này đều phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài nước. Khi các nước trên thế giới chưa hoàn tất cuộc chiến thì cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của Việt Nam.
Với những khó khăn của các ngành kinh tế phải đối mặt do đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng do kinh tế nước ta có độ mở lớn. Theo đó, TCTK dự kiến ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Kịch bản 1 dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 2/2020; kịch bản hai dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 3/2020 và kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8%.
Cụ thể, nếu dịch kết thúc trong quý 2/2020, dự kiến GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,13%, quý 4 giảm 0,1% và cả năm giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường.
Nếu dịch kết thúc trong quý 3/2020, dự kiến GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,44%, quý 4 giảm 0,69% và cả năm giảm 1,77% so với tốc độ dự báo trong điều kiện bình thường.
Với hai kịch bản đầu,tăng trưởng GDP cả năm 2020 ước đạt trên 5%.
Để tăng trưởng GDP đạt được mục tiêu 6,8% là thách thức rất lớn với tăng trưởng GDP của quý 3 và quý 4phải đạt rất cao. Hơn nữa, các năm 2020-2021 là giai đoạn suy giảm kinh tế thế giới theo chu kỳ 10 năm. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, nên tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ bị suy giảm.
Trong bối cảnh này, theo ông cần những giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; kéo theo đó là giảm tổng cầu xã hội và gia tăng thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.
Nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, dẫn tới tăng trưởng kinh tế của quý 1 năm 2020 chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm kể từ năm 2010 đến nay. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 12,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
So với quý 1 năm 2019, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm 18,1%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động.
Chính phủ cần đáng giá mức độ thiệt hại và những khó khăn của từng khu vực doanh nghiệp (DN) và các hộ kinh doanh cá thể gặp phải, đồng thời đánh giá theo các ngành kinh tế từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho sát với từng ngành, từng khu vực DN và cá thể. Kết hợp hài hoà giữa các nhóm giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng giai đoạn.