Từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Theo báo cáo từ Bộ KH&CN, để hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ đã ban hành Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31.10.2007 hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các hiệp định và thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp và Thông tư số 26/2013/TT-BKHCN ngày 15.11.2013 quy định yêu cầu, trình tự và thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ KH&CN ban hành.
Do đó, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và nước xuất khẩu (cơ chế G to G); thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong nước và các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài (cơ chế T to T) nhằm tránh việc phải chứng nhận hợp quy cho các lô hàng nhóm 2 nhập khẩu vào Việt Nam khi đã có Chứng nhận chất lượng từ nước ngoài. Việc thừa nhận này sẽ giúp cho cơ quan quản lý thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn trong khi năng lực đánh giá sự phù hợp trong nước chưa đáp ứng kịp.
Từ cuối năm 2016, trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ KH&CN đã làm việc với các Bộ ngành về rà soát hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu do các Bộ ban hành để loại bỏ hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục. Theo đó, các Bộ cũng đã rà soát, đề xuất cắt giảm hàng hóa nhóm 2. Cụ thể: Bộ Công Thương đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 01 nhóm hàng hóa (sản phẩm dệt may các loại); Bộ Y tế đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 02 nhóm hàng hóa với 26 sản phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 16 sản phẩm như giống cây trồng lâm nghiệp; Giống vật nuôi trên cạn; Động vật và sản phẩm động vật phi thực phẩm...; Bộ Xây dựng đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục là 36 sản phẩm.
Hiện nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cũng đang triển khai rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19, Nghị quyết 75 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, quản lý hàng hóa theo nguyên tắc rủi ro, chuyển sang hậu kiểm và giảm tối đa số lượng hàng hóa phải kiểm tra chất lượng tại khâu thông quan, đẩy mạnh thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Phó Tổng cục trưởng TĐC Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ KH&CN và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, Bộ KH&CN đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.
Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-CP, Bộ KH&CN đã đề nghị các Bộ chủ động rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2 và đề xuất loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan thuộc phạm vi quản lý của các Bộ.
Ngoài ra, Tổng cục TĐC đã tích cực tham mưu cho Bộ KH&CN, nghiên cứu và đề xuất một loạt các cơ chế chính sách để đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần “Đổi mới phục vụ kiến tạo”, tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng tối đa nhu cầu của DN đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và người tiêu dùng.
“Bộ KH&CN cùng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo về những văn bản dưới luật còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp với các Luật chuyên ngành, cần phải bãi bỏ, điều chỉnh hoặc sửa đổi trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.
Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp
Trên tinh thần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), Phó Tổng cục trưởng TĐC Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thời gian qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, thực hiện đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12.12.2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
“Nhiều ý kiến từ phía cộng đồng DN cho rằng, hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã gây rất nhiều khó khăn vướng mắc cho DN, đặc biệt là trong công tác xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN. Việc này đã được thể hiện cụ thể qua Nghị quyết 19 của Chính phủ” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần Nghị quyết 19, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, thời gian tới các Bộ ngành cần rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành để tránh chồng chéo cùng một mặt hàng phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý khác nhau; rà soát, làm rõ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (tiền kiểm) theo hướng ít nhất có thể, chuyển mạnh sang hậu kiểm; quy định rõ các biện pháp quản lý trong các QCVN để giúp doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tích cực rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành và chuyển mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.
Về nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN, cụ thể, duy nhất chỉ có nhóm sản phẩm hàng hóa về xăng dầu và LPG là thực hiện tiền kiểm. Còn lại tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa chuyển sang hậu kiểm như: Thép, mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử, đồ chơi trẻ em... Đồng thời, những thay đổi về quy định quản lý chuyên ngành, phương thức kiểm tra chuyên ngành, quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… sẽ tạo tạo điều kiện cho thuận lợi cho DN trong việc rút ngắn thời gian, giảm thiểu giấy tờ, chi phí… để thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.